28/08/2018 - 14:23

Iran kiện Mỹ lên Tòa án Công lý Quốc tế 

Trước phiên tòa xét xử bắt đầu hôm qua 27-8, các luật sư của Iran yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ra lệnh cho Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran.

 ICJ sẽ dành 4 ngày xét xử vụ kiện của Iran. Ảnh: Financial Tribune

Trong đơn trình lên ICJ hồi tháng rồi, Tehran lập luận rằng các biện pháp trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Iran vi phạm điều khoản trong hiệp ước hữu nghị ít người biết mà hai nước ký kết năm 1955. Do vậy, Cộng hòa Hồi giáo kêu gọi các thẩm phán ra phán quyết buộc Mỹ “đình ngay lập tức” các lệnh trừng phạt. ICJ cho biết đơn kiện của Iran liên quan đến quyết định hôm 8-5 của Nhà Trắng về việc rút khỏi thỏa thuận lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran. Tuy nhiên, Iran khẳng định Mỹ không có quyền tái trừng phạt như thế và còn đòi Washington bồi thường những thiệt hại mà lệnh cấm vận gây ra cho nền kinh tế nước này. Đồng rial của Iran đã mất giá phân nửa kể từ tháng 4. Bên cạnh đó, nhiều công ty nước ngoài cũng ngừng các hoạt động sản xuất tại Iran sau động thái của Nhà Trắng.

Về phía Mỹ, các luật sư cho rằng ICJ không có quyền phán quyết trong vụ này và hiệp ước hữu nghị không còn giá trị, nên các lệnh trừng phạt của Washington cũng không vi phạm. Tòa dự kiến mất 2 tháng để quyết định có chấp nhận yêu cầu của Tehran về việc đưa ra một phán quyết tạm thời hay không, trong khi quyết định cuối cùng có thể được công bố sau nhiều năm. Theo nhận định của Giáo sư Eric De Brabandere tại Đại học Leiden (Hà Lan), việc nhiều quốc gia châu Âu ủng hộ JCPOA đồng nghĩa “vị thế của Iran trong vụ kiện này vững chắc”.

Phiên xét xử trên mở màn 3 tuần sau khi Tổng thống Trump tái áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đơn phương đối với Tehran, từng được dỡ bỏ theo JCPOA, văn kiện mà ông “chê” là không ngăn cản được Iran “phát triển bom hạt nhân”. Gói biện pháp trừng phạt thứ hai sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 11 tới, nhắm vào lĩnh vực năng lượng và dầu mỏ của Iran.  

Là tổ chức của Liên Hiệp Quốc, ICJ được thành lập vào năm 1946 để giải quyết những tranh chấp quốc tế. Các phán quyết của ICJ mang tính ràng buộc nhưng tòa này lại không có quyền thực thi chúng và trong một số trường hợp, phán quyết bị một số nước phớt lờ, bao gồm Mỹ.

THANH BÌNH (Theo AFP, Reuters)

 

Chia sẻ bài viết