Trong phát biểu gần đây, Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã phát tín hiệu chuyển sang thắt chặt quan hệ với Trung Quốc và Nga- động thái cho thấy Tehran đang mất kiên nhẫn trong việc cải thiện quan hệ với phương Tây, nhất là Mỹ, theo hãng tin AFP.
Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei (phải) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AFP
Trong chính sách đối ngoại, ưu tiên hàng đầu của chúng ta hiện nay là phương Đông hơn phương Tây”- Đại giáo chủ Khamenei tuyên bố hôm 19-2.
“Đại giáo chủ Khamenei liên tiếp tuyên bố thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là một phép thử để xem liệu các cuộc thương lượng với phương Tây có thể đem lại kết quả tích cực cho Iran hay không. Ban lãnh đạo (Iran) nhận thấy Mỹ đang hành động một cách gian dối đối với thỏa thuận này. Tuyên bố của ông Khamenei bật đèn xanh cho chính quyền Iran tập trung nhiều nỗ lực ngoại giao hơn vào việc thắt chặt quan hệ với Trung Quốc và Nga”- bà Ellie Geranmayeh thuộc Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại nhận định.
Phát biểu của Lãnh tụ tối cao Khamenei được đưa ra giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký với nhóm các cường quốc P5+1 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nếu Iran không đồng ý kiềm chế chương trình tên lửa và những “hoạt động gây bất ổn” của nước này ở Trung Đông.
Trung tuần tháng rồi, Tổng thống Trump đã cảnh báo các đồng minh châu Âu phải tìm cách sửa chữa “sai lầm khủng khiếp” trong thỏa thuận hạt nhân Iran nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này. Theo đó, chủ nhân Nhà Trắng dù đồng ý ký gia hạn việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế với Tehran, đảm bảo Washington tuân thủ các cam kết trong 120 ngày, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng đây là “cơ hội cuối cùng”. Trong giai đoạn 4 tháng, ông Trump kêu gọi Quốc hội Mỹ và các đồng minh châu Âu lập ra một thỏa thuận mới. Tối hậu thư trên gây sức ép buộc các đồng minh châu Âu, vốn là những nước ủng hộ và bên ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015, phải thỏa mãn yêu cầu của ông Trump. Khi đó, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã phản ứng trên Twitter rằng thỏa thuận không thể thương lượng lại và lập trường của ông Trump “giống những âm mưu tuyệt vọng nhằm làm xói mòn một thỏa thuận đa phương vững chắc”.
Được biết trước đó, Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã cùng lên tiếng kêu gọi Mỹ duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran. Theo đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini, thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn đang được thực thi đúng hướng và đó là cách tốt nhất để duy trì việc giám sát chặt chẽ chương trình hạt nhân của Iran.
THANH BÌNH