13/11/2019 - 13:17

Hy Lạp trong toan tính chiến lược của Trung Quốc 

Trung Quốc và Hy Lạp ngày 11-11 đã nhất trí thúc đẩy dự án đầu tư trị giá hàng trăm triệu euro của Tập đoàn vận tải biển Trung Quốc (COSCO) vào cảng biển Piraeus của Hy Lạp.

Thủ tướng Hy Lạp Mitsotakis (phải) cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cảng Piraeus hôm 11-11. Ảnh: AP

Văn kiện trên được ký kết trong chuyến thăm chính thức Hy Lạp 3 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, kết thúc hôm 12-11. Theo đó, COSCO dự định “biến” Piraeus- hải cảng lớn nhất Hy Lạp - thành thương cảng lớn nhất ở châu Âu, trong đó đầu tư khoảng 600 triệu euro để thúc đẩy các hoạt động, bao gồm đầu tư bắt buộc 300 triệu euro vào năm 2022. Điều này sẽ cho phép COSCO sở hữu thêm 16% cổ phần tại Piraeus.

Ngoài dự án trên, Bắc Kinh và Athens còn đạt được 15 thỏa thuận khác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm ngân hàng, du lịch và năng lượng Mặt trời. 

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác song phương. Chuyến thăm Athens đầu tiên của ông Tập diễn ra gần một tuần sau khi Thủ tướng Mitsotakis cùng phái đoàn gồm hơn 60 doanh nghiệp trở về từ Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc tại Thượng Hải. Tại đây, ông Tập Cận Bình đã ca ngợi viễn cảnh Hy Lạp trở thành “trung tâm kho vận” để trung chuyển hàng hóa Trung Quốc đến châu Âu. Được biết, Hy Lạp nằm ở vị trí chiến lược giao thoa giữa châu Âu, châu Á và châu Phi

Những cuộc trao đổi cấp cao liên tục đã cho thấy tầm quan trọng của Athens trong mắt Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường sự kết nối nước này với thế giới thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhấn mạnh “đầu tư vào cảng Piraeus là dự án lớn nhất của sáng kiến Vành đai, Con đường”, khi hai bên ký bản ghi nhớ về việc “thực hiện thành công” các kế hoạch của COSCO. Ông Tập còn mô tả các thỏa thuận đầu tư của Trung Quốc tại Hy Lạp là "hình mẫu hợp tác Trung Quốc-châu Âu". 

Tuy nhiên, chuyến công du Hy Lạp của ông Tập Cận Bình diễn ra giữa lúc phương Tây ngày càng quan ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh trên toàn cầu. Nỗi lo này đã tăng cao kể từ năm 2009, khi COSCO thông qua chi nhánh Piraeus Container Terminal (PCT) được chuyển nhượng quyền quản lý và nâng cấp 2 cảng hàng hóa của cảng Piraeus trong 35 năm. Đến năm 2016, tập đoàn này tiếp tục mua lại 51% phần vốn trong Công ty cảng Piraeus. Cảng chiến lược Piraeus đã trở thành biểu tượng cho sự đầu tư của Trung Quốc vào Hy Lạp. Một thập niên sau, ước tính 10% hàng hóa xuất khẩu sang lục địa già của Trung Quốc đều đi qua Piraeus, khiến nó trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các cảng của châu Âu như Hamburg của Đức hay Rotterdam của Hà Lan. Cảng Piraeus đóng vai trò là trung tâm vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc đi từ châu Á qua châu Âu thông qua kênh đào Suez với chi phí thấp. 

Về phần mình, với nền kinh tế phục hồi chậm từ cuộc khủng hoảng tài chính, Hy Lạp đang nóng lòng khai thác thị trường to lớn của Trung Quốc thông qua việc xuất khẩu các mặt hàng, bao gồm dầu ô liu và rượu vang. Athens cũng muốn thu hút thêm nguồn đầu tư nước ngoài và coi đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm trong nước. Tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) này hiện vẫn rất cao, ở mức 17,3%. Dù vậy, Dionysios Stivas - chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - EU tại Đại học Baptist (Hong Kong) - nhận định mặc dù các thỏa thuận đều là thắng lợi cho đôi bên, nhưng dường như Trung Quốc hưởng lợi nhiều hơn.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, Guardian)

Chia sẻ bài viết