09/06/2019 - 07:04

Hướng mở cho đầu tư hệ thống chiếu sáng thông minh 

Tốc độ đô thị hóa của các đô thị đang tiến rất nhanh, đi kèm với đó là nhu cầu quy hoạch về hệ thống chiếu sáng đô thị cần đồng bộ cho sự phát triển. Mới đây, chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đến tham vấn ý kiến của lãnh đạo TP Cần Thơ về sự quan tâm đến chiếu sáng đô thị, một trong những tiêu chí để xây dựng thành phố thông minh.

Cần Thơ đang hướng đến mục tiêu sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện. Ảnh: GIA BẢO

Cần Thơ đang hướng đến mục tiêu sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện. Ảnh: GIA BẢO

Nỗ lực kết nối đầu tư

Bà Hyunjung Lee, chuyên gia kinh tế năng lượng của ADB, cho biết: Dự án chiếu sáng thông minh và hiệu quả năng lượng (SELP) của ADB dự kiến sẽ hỗ trợ các tỉnh thành tham gia dự án đánh giá tiềm năng về năng lượng tiết kiệm và hiệu quả kiểm toán năng lượng. Từ đó đưa ra dự án tiền khả thi và khả thi về vấn đề này để triển khai thực hiện. ADB cũng sẽ xây dựng các phương án tài chính như vay ODA thuần túy, hoặc hợp tác công tư (PPP) để triển khai dự án. 

Chuyên gia của ADB cũng cho biết ADB đang kết hợp với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng và các bộ liên quan, cùng 5 tỉnh thành có quan tâm đến dự án như: TP Cần Thơ, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, TP Hà Nội. Dự án SELP sẽ chia làm hai phần, gồm hợp phần hỗ trợ kỹ thuật và hợp phần vốn vay. Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật bắt đầu từ tháng 7-2019 và kết thúc vào tháng 12-2021, với tổng kinh phí 2,5 triệu USD. Khi hỗ trợ kỹ thuật kết thúc sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả, sau đó sẽ xây dựng các phương án đầu tư. ADB đề xuất giai đoạn 2021-2025, các địa phương sẽ vay vốn ODA từ ADB, giai đoạn 2026-2030 sẽ thực hiện theo PPP (hợp tác công-tư).

Bà Hyunjung Lee cho biết thêm, ABD sẽ đánh giá trần nợ công của các địa phương tham gia dự án để cân nhắc số tiền vay. Song, ADB cam kết sẽ tìm nguồn ưu đãi nhất cho các địa phương. ADB cũng đã tìm được nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cho các địa phương như Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ Năng lượng xanh (GCF), Quỹ Tín thác Thích ứng Biến đổi khí hậu đô thị (UCCRFT)… Những nguồn quỹ viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 25% tổng mức đầu tư dự án. Như vậy, các địa phương sẽ giảm bớt áp lực nợ khi vay vốn từ ADB.

“Theo kết quả khảo sát của ADB về hệ thống chiếu sáng đường phố ở một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội và TP HCM, cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng chiếu sáng lên đến khoảng 50% và góp phần giảm phát thải CO2 và thúc đẩy tăng trưởng xanh cho các địa phương. Quỹ GCS rất quan tâm đến vấn đề giảm khí phát thải CO2 ở các đô thị, do vậy việc xin nguồn tài trợ không hoàn lại từ GCS rất khả thi”- bà Hyunjung Lee khẳng định.

Gỡ bất cập về quy định, quy chuẩn

Sau khi gói hỗ trợ kỹ thuật Dự án SELP kết thúc, các chuyên gia ADB sẽ cùng các địa phương và các bộ ngành Trung ương xây dựng các phương án đầu tư, với 3 cấp độ khác nhau: cấp độ đơn giản (chỉ thay đèn cũ đèn bằng đèn led), cấp độ thông minh vừa phải (thay đèn cũ bằng đèn led, thay một số bộ điều khiển thông minh), cấp độ thông minh hoàn toàn (vừa thay đèn, vừa đầu tư toàn bộ hệ thống điều khiển thông minh, bộ cảm biến đo nhiệt độ không khí, lắp camera thông minh…). Chuyên gia ADB khuyên các địa phương chọn cấp độ đầu tư thông minh hoàn toàn, ADB sẽ hỗ trợ xây dựng dự án tiền khả thi, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá thầu và lựa chọn nhà thầu cũng như quá trình thực hiện dự án sau này.

Với các đề xuất của ADB, bà Nguyễn Kim Hoàng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật- Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Hiện cơ sở pháp lý cho các dự án liên quan đến lĩnh vực chiếu sáng thông minh chưa hoàn thiện; các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chiếu sáng thông minh do Bộ Xây dựng ban hành đã rất lâu (năm 2005) nên quá lạc hậu. Trong khi quy chuẩn ban hành năm 2016 cũng chỉ đề cập đến hệ thống đèn mà chưa tính đến sự đồng bộ của các hệ thống trụ đèn để thích hợp với loại đèn thông minh. Dự án PPP về hạ tầng đô thị chưa có hướng dẫn chi tiết từ Trung ương, nên các địa phương cũng lúng túng. TP Cần Thơ đã phê duyệt Quy hoạch chiếu sáng đô thị đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Giai đoạn đầu rất cần thiết để xin gói hỗ trợ kỹ thuật từ ADB; đây là cơ sở cho thành phố để tạo hành lang pháp lý thực hiện dự án giai đoạn tiếp theo.  

Theo bà Nguyễn Kim Hoàng, giai đoạn 2018-2020, kinh phí theo Quy hoạch chiếu sáng đô thị khoảng 1.600 tỉ đồng (thay tất cả các đèn chiếu sáng của các đô thị quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn…); giai đoạn 2020-2025 khoảng 862 tỉ đồng; giai đoạn 2025-2030 khoảng 915 tỉ đồng. Giai đoạn đầu nặng nhất, do vừa thay đèn vừa tích hợp với đầu tư hệ thống quản lý hệ thống chiếu sáng thông minh, nhưng nguồn kinh phí thực hiện đang rất khó khăn.

Trong Quy hoạch chiếu sáng đô thị TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đề ra mục tiêu đảm bảo100% các công trình giao thông, không gian công cộng và quảng cáo trên địa bàn thành phố (bao gồm công trình xây mới, cải tạo, nâng cấp) sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện; trong đó, đến năm 2030, phấn đấu từ 30% đến 50% các công trình chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời đạt tiêu chuẩn. Từng bước nâng tỷ lệ chiếu sáng đường phố đến năm 2030 tại các quận đạt 100% chiều dài đường; tại các thị trấn đạt 85-90% chiều dài các tuyến đường phố chính, đường phố khu vực, tỷ lệ chiếu sáng ngõ hẻm đạt 75%. Các công trình giao thông được chiếu sáng đầy đủ với các chức năng định vị và dẫn hướng; thiết kế chiếu sáng có tính thẩm mỹ cao; thuận tiện, an toàn trong quá trình sử dụng… Đến năm 2030 hoàn thành hạ ngầm toàn bộ đường dây cấp điện chiếu sáng trên địa bàn thành phố. Dự kiến nguồn vốn đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, vốn hợp tác công tư (PPP), xã hội hóa, vốn vay ODA…

Về đầu tư hệ thống chiếu sáng thành phố, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết: Có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề này, nhưng hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, cũng khó cho mời gọi. Với đề xuất của ADB, thành phố rất quan tâm. Các sở ngành thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với ADB để nghiên cứu và đưa ra phương án đầu tư nào hiệu quả nhất cho dự án. Tuy nhiên, giai đoạn đầu thành phố mong nhận được vốn hỗ trợ từ gói hỗ trợ kỹ thuật của ADB.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết