|
Dù tay bắt mặt mừng trong cuộc gặp ở Mát-xcơ-va ngày 11-6, nhưng Tổng thống Medvedev (phải) vẫn không quên đòi chính quyền của Tổng thống Lukashenko trả nợ khí đốt. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 15-6 ra thông báo yêu cầu chính quyền Belarus phải trả nợ tiền mua khí đốt khoảng 200 triệu USD trong vòng 5 ngày, nếu không sẽ bị cắt nguồn cung. Theo Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, ông Alexei Miller, hợp đồng mua bán khí đốt giữa Gazprom và Belarus có điều khoản cho phép họ đóng van khí đốt nếu bị đối tác ngâm nợ. Ông Miller cho biết Gazprom đã gởi cho chính quyền Belarus hai lá thư báo nợ nhưng chưa nhận được câu trả lời rõ ràng khi nào sẽ thanh toán.
Vì sao Belarus dây dưa tiền nợ như vậy? Theo ông chủ điện Kremlin, trong chuyến thăm Mát-xcơ-va mới đây, Tổng thống Lukashenko đã phân trần rằng Minsk đang gặp khó khăn về tài chính nên mong nhận được sự thông cảm của người Nga. Tuy nhiên, “thật lòng mà nói hiện nay bất kỳ ai cũng đang có vấn đề về tài chính, kể cả Gazprom”, ông Medvedev nói. Theo ông Medvedev, tài chính không phải là một vấn đề lớn đối với Belarus, nước có mức thâm hụt ngân sách chỉ chiếm 1,5% GDP và nợ công khoảng 1,5 tỉ USD. Belarus lần lữa trả món nợ trên vì muốn Gazprom giảm giá khí đốt đang tăng theo hợp đồng từ 150 USD/1.000 mét khối năm 2009 lên 169 USD/1.000 mét khối trong quý 1 năm 2010 và 185 USD/1.000 mét khối vào quý 2.
Nhiều tháng qua, ông Lukashenko đã ve vãn và thậm chí gây sức ép để Nga không tăng giá khí đốt và dầu thô, từ việc hứa không cản trở các doanh nghiệp Nga nắm quyền kiểm soát công ty vận chuyển khí đốt Beltransgaz của Belarus, đến việc dọa tẩy chay thỏa thuận phát triển Liên minh thuế quan chung với Nga và Kazakhstan, vốn sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2010. Tuy nhiên, Nga cho rằng nắm quyền kiểm soát Beltransgaz không còn quan trọng nữa, bởi trong tương lai đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga qua Belarus chiếm 1/5 nhu cầu nhập khẩu của châu Âu sẽ giảm giá trị. Trong khi đó, Mát-xcơ-va kỳ vọng thỏa thuận thành lập Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan sẽ giúp tăng trọng lượng của 3 nước trong tiến trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời mở ra triển vọng xây dựng khu mậu dịch tự do (FTA) và không gian kinh tế chung như Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2012. Các nhà phân tích cho rằng Liên minh thuế quan chung là nền tảng để Nga “hút” Belarus và Kazakhstan vào quỹ đạo ảnh hưởng truyền thống của mình trước sự cạnh tranh của Mỹ và phương Tây.
Có thể nói, bán khí đốt theo giá thị trường là định hướng chung của Gazprom. Tuy nhiên, bài học giải quyết cuộc chiến khí đốt giữa Nga và chính quyền Ukraina trước đây vẫn có giá trị tham khảo. Dù Nga là đồng minh và là nhà viện trợ chính cho Belarus, nhưng Tổng thống Lukashenko lại không ủng hộ Mát-xcơ-va trong cuộc chiến chống Gruzia năm 2008, hờ hững trong việc hợp tác phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa chung để đối trọng với Mỹ. Ông còn tuyên bố “Belarus là một bộ phận không thể tách rời của châu Âu nên nước này sẽ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với từng nước châu Âu và cả EU”. Vì vậy, Belarus nhận được sự ủng hộ của châu Âu trong đàm phán vay 3,5 tỉ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi năm ngoái và có thể vay thêm trong năm nay, đồng thời có kế hoạch vay Ngân hàng Thế giới (WB) 350 triệu USD và phát hành trái phiếu trị giá 400 triệu USD tại khu vực đồng euro.
Dựa vào EU để giảm phụ thuộc Mát-xcơ-va, chính quyền Belarus đang làm phật lòng người láng giềng Nga.
KIẾN HÒA
(Theo ITAR-TASS, Pravda, AP và Bloomberg)