Tim Arango trong bài phân tích đăng trên tờ Thời báo New York của Mỹ số ra ngày 20-11 đã viết: "Iraq, với một chính phủ mới đang chật vật duy trì sự thống nhất của đất nước dưới sự tấn công từ các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, và Thổ Nhĩ Kỳ nước đang nối lại tham vọng dẫn đầu "trục chính trị" của người Hồi giáo dòng Sunni trong khu vực đang cố gắng hợp tác với nhau dù đôi bên vẫn còn nhiều nghi kỵ".
Theo Tim Arango, chuyến thăm của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đến Iraq ngày 20-11 là ví dụ sống động về một cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông, khi các cựu thù đang tìm cách hàn gắn mối quan hệ, hoặc chí ít là cố gắng hợp tác với nhau, giữa một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ.

Thủ tướng Iraq al-Abadi (phải) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu trong cuộc họp báo chung ngày 20-11.
Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang khổ sở vì những thất bại trong chính sách tại Trung Đông và hiện đối mặt với áp lực gia tăng từ Mỹ và các đồng minh trong các chiến dịch chống IS, đã tiếp cận các chính phủ của người Shiite ở Iraq và Iran. Tương tự, Iraq (trước sự thúc giục của Mỹ) gần đây cũng từng bước cải thiện quan hệ với bất cứ nước nào có thể, kể cả các nước A-rập do người Hồi giáo Sunni thống lĩnh như Arabie Séoudite, Qatar và Kuwait trong nỗ lực tìm kiếm càng nhiều đối tác càng tốt để chống lại IS.
Chuyến thăm của ông Davutoglu diễn ra gần 3 tháng sau khi ông Haider al-Abadi nhậm chức Thủ tướng Iraq, thay cho Nuri Kamal al-Maliki, người có mối quan hệ không tốt với Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức Ankara cáo buộc ông Maliki lạnh nhạt với người Hồi giáo Sunni thiểu số ở Iraq, trong khi ông Maliki thì bất mãn vì Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các nhà lập pháp đối lập Sunni tại Iraq. "Đây là nỗ lực tái khởi động mối quan hệ với Iraq thời hậu Maliki" Sinan Ulgen, cựu quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và là học giả của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Brussels (Bỉ), nhận định về chuyến thăm Iraq của Thủ tướng Davutoglu.
Trong cuộc họp báo chung với tân Thủ tướng Iraq al-Abadi, ông Davutoglu đã đề cập đến mối quan hệ đổ vỡ trong những năm gần đây. "Thông qua chuyến thăm này, chúng tôi muốn khép lại một trang quá khứ và cải thiện quan hệ với Iraq" ông tuyên bố. Hai nhà lãnh đạo cho biết họ đã nhất trí hợp tác chống lại IS trong một số lĩnh vực chẳng hạn như chia sẻ thông tin tình báo và một số hợp tác về mặt quân sự. Thủ tướng Iraq al-Abadi cho biết: "Iraq ngày nay đang đối mặt với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và cần sự hỗ trợ từ thế giới để đương đầu với nó".
Mặc dù quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Iraq đang có dấu hiệu khởi sắc, song các chuyên gia vẫn hoài nghi về việc Ankara sẽ làm nhiều việc để giúp Baghdad chống lại IS. Xét cho cùng, chính phủ Iraq do người Shiite thống lĩnh là theo tư tưởng chính trị thần quyền của người Shiite ở Iran cũng như chính phủ Syrie của Tổng thống Bashar al-Assad. Hơn nữa, dư luận tại Iraq cũng cho rằng chính những chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn như cho phép các tay súng nước ngoài đi qua lãnh thổ để tham chiến tại Syrie, đã dẫn tới sự phát triển của tổ chức Hồi giáo cực đoan IS.
THANH TRÚC (Theo New York Times)