* Quân chính phủ Syrie giành lại một số khu vực quan trọng từ lực lượng nổi dậy
Ngày 20-7, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua nghị quyết gia hạn sứ mệnh giám sát của các quan sát viên LHQ tại Syrie thêm 30 ngày, chỉ vài giờ trước khi sứ mệnh 90 ngày của phái bộ này kết thúc.
|
Cảnh tượng tan hoang sau cuộc giao tranh ngày 20-7 giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy. Ảnh: AFP |
Mặc dù Mỹ và Anh coi đây là “cơ hội cuối cùng” cho Syrie nhưng nghị quyết mới để ngỏ khả năng tiếp tục gia hạn sứ mệnh giám sát, với điều kiện “Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và HĐBA xác nhận rằng cả chính phủ và phe chống đối ở Syrie đều tuân thủ các điều khoản trong kế hoạch ngừng bắn do LHQ đề xuất”. Nga trước đó đe dọa phủ quyết nghị quyết do Anh đề xuất, nhưng Đại sứ Nga tại LHQ, ông Vitaly Churkin, cuối cùng đã ủng hộ bản nghị quyết sửa đổi, với nội dung yêu cầu tất cả các bên tại Syrie phải thực hiện các bước cần thiết để chấm dứt tình trạng bạo lực hiện nay.
Liên quan đến tình hình chiến sự tại Thủ đô Damas, truyền hình quốc gia Syrie cho biết quân chính phủ đã “quét sạch hoàn toàn các nhóm khủng bố” và đã giành lại quyền kiểm soát khu vực bất ổn Midan, trong chiến dịch tổng tấn công ngày 20-7. Đây được xem là cuộc phản công lớn nhất của quân chính phủ kể từ lúc giao tranh ở Midan và một số quận phía Nam Damas bùng phát hôm 15-7, khi lực lượng chống đối “Quân đội Syrie Tự do” (FSA) tuyên bố phát động “cuộc chiến lớn Damas” nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Kênh truyền hình A-rập Mayadeen cũng cho biết quân chính phủ Syrie cũng đã giành lại quyền kiểm soát các chốt biên giới giữa Syrie và Iraq từ tay lực lượng nổi dậy.
Truyền hình Syrie còn loan báo người đứng đầu lực lượng an ninh quốc gia Hisham Bakhtiar đã chết vì bị thương trong vụ nổ ở Damas ngày 18-7. Đây là quan chức cấp cao thứ tư trong chính phủ thiệt mạng sau vụ đánh bom liều chết nói trên. Trong một diễn biến khác, hãng tin Interfax của Nga ngày 20-7 đưa tin Nga sẽ hoãn vận chuyển chuyến hàng gồm trực thăng chiến đấu và một hệ thống phòng không đến Syrie, cho đến khi an ninh được khôi phục ở nước này.
Cùng ngày, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết tình trạng bất ổn tại Syrie đã làm hơn 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, chủ yếu là chạy sang các nước láng giềng như Liban, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Iraq. Trong bối cảnh bạo lực tại Syrie đang leo thang một cách nguy hiểm, một số nước Mỹ La-tinh như Brazil, Chile, Argentina cũng đã thông báo kế hoạch tạm thời đóng cửa đại sứ quán và sơ tán công dân khỏi quốc gia Trung Đông này.
T.TRÚC (Theo BBC, LA Times, Telegraph)