28/08/2013 - 09:41

Học Bác yêu thương đồng bào như ruột thịt

Ông Ba Sùng (bìa phải) đến thăm hỏi, động viên một bệnh nhân thuộc diện hộ cận nghèo, bệnh nặng vừa xuất viện. 

Năm 1976, ông Lê Văn Sùng (bà con vẫn quen gọi là Ba Sùng, xã Trường Long, huyện Phong Điền) tham gia nghĩa vụ quân sự giúp nước bạn Campuchia. Năm 1982, trở về địa phương với một mảnh đạn còn nằm trong phổi và 1/3 cánh tay phải bị thương tật (ông Sùng là thương binh 3/4). Mặc dù sức khỏe không tốt, nhưng ông vẫn tích cực làm việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, tham gia công tác xã hội tại địa phương và được bà con hết lòng tín nhiệm, tin yêu. Hiện tại ông là Trưởng ban Công tác Mặt trận (CTMT) ấp Trường Phú 1, xã Trường Long. Ông Lê Văn Sùng là một trong những cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Ban Thường vụ Huyện ủy Phong Điền tuyên dương vào dịp 19-5 vừa qua.

Theo ông Ba Sùng, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, chăm lo cho đồng bào nghèo. Noi gương Bác, trong công tác, ông ưu tiên làm những việc ích nước, lợi dân để bà con mình có cuộc sống tốt hơn. Từ suy nghĩ này, ông Ba Sùng đã làm việc không mệt mỏi. Hết vận động làm đường, ông Ba Sùng đi vận động tập sách cho trẻ em nghèo, thăm hỏi các các hộ nghèo, khó khăn khi hữu sự; phối hợp cùng các đoàn thể bảo lãnh cho các hộ nghèo vay vốn sản xuất phát triển kinh tế gia đình… hễ việc gì có lợi cho bà con thì Ba Sùng đều làm.

Đường vào ấp Trường Phú 1, mặt đường hẹp (chỉ khoảng 1,5m) quanh co, chưa được bê-tông. Những ngày mưa bão, đường càng khó đi. Theo ông Ba Sùng, toàn bộ tuyến đường chính của ấp Trường Phú 1 dài khoảng 2.300m là đường đất, trước giờ, bà con rất muốn được bê-tông hóa, nhưng chi phí lớn nên chưa thực hiện. Năm 2012, Ban CTMT ấp đã vận động nhân dân hiến đất mở rộng mắt đường từ 1,5m ra 2,5-3m và đóng góp hơn 80 triệu đồng để làm 1.800m nền hạ để Nhà nước đầu tư làm đường bê-tông. Công việc vận động này gặp nhiều khó khăn vì bà con trong ấp đa số làm nông, thu nhập thấp. Ông Ba Sùng nhớ lại: "Sau khi tổ chức họp dân lấy ý kiến, có nhiều hộ không chấp nhận hiến đất, đóng tiền làm nền hạ. Đi vận động riêng các hộ này họ vẫn không chịu tiếp mình". Thấm nhuần lời dạy của Bác khó khăn không nản chí, thất bại không nản lòng, ông Ba Sùng ngày hai, ba lượt đến những gia đình còn "vướng" để vận động. Nhờ kiên trì thuyết phục ông Ba Sùng đã thành công. Ngay cả những hộ nghèo thấy tấm lòng của ông Ba Sùng dành cho người dân, họ cũng đồng tình và tham gia đóng góp, dù được miễn giảm. Ông Huỳnh Văn Hải, hộ nghèo ấp Trường Phú 1, nói: "Ba Sùng đối với bà con rất mực tình cảm, như anh em máu thịt nên bà con thương lắm. Ba Sùng kêu bà con đổ cát, làm nền hạ tuyến đường chờ Nhà nước đầu tư bê-tông bà con chúng tôi cũng hết lòng ủng hộ. Gia đình tôi nghèo nhưng vẫn đóng góp gần 1,7 triệu đồng để góp sức mình dựng xây quê hương". Có một việc nhỏ, xung quanh việc mua cát để làm nền hạ do các cán bộ trong Ban CTMT kể lại cho chúng tôi, cũng đã thể hiện được tính cách con người ông Ba Sùng, đó là người liêm khiết, gương mẫu. Chủ thầu đề nghị trích huê hồng cho ông và Ban CTMT. Toàn bộ tuyến đường tính ra cũng chi huê hồng hơn 15 triệu đồng nhưng ông Ba Sùng từ chối và nói với chủ thầu trừ hết huê hồng đó vào chi phí mua cát, để bà con đóng tiền ít lại. Ông Ba Sùng tâm sự: "Bác đã dạy cán bộ phải liêm khiết, chí công, vô tư. Bà con mình nghèo quá, mình giúp còn không hết, làm sao mà nỡ ăn tiền của dân. Tôi ghét nhất là những kẻ lợi dụng chức trách để trục lợi".

Tính cách gần gũi, hòa đồng và tình cảm, sự quan tâm dành cho các hộ nghèo ở ông Ba Sùng còn thể hiện ở việc ông không bỏ sót trường hợp nào bà con nghèo có bệnh, hữu sự, học sinh nghèo thiếu tập vở đến trường. Để làm được điều này, ông phải chịu khó đi cơ sở, thăm hỏi bà con, tìm hiểu tường tận cuộc sống của từng gia đình để có hướng giúp đỡ. Ông Hà Văn Lượm (hộ cận nghèo), hiện sống cùng người con trai, cả hai cha con làm mướn sống qua ngày. Do làm lụng quá sức, ông Lượm bị cảm, rồi chuyển sang viêm phổi. Một hôm, đi cơ sở, ông Ba Sùng ghé thăm, biết ông Lượm bệnh không tiền chữa trị, lập tức cùng anh em trong Ban CTMT vừa bỏ tiền túi, vừa tổ chức đi vận động trong vòng 2 tiếng đồng hồ được hơn 5 triệu đồng và cử người đưa ông Lượm đến bệnh viện điều trị kịp thời. Ông Lượm bộc bạch: "May nhờ có Ba Sùng chứ không tui tưởng mình không qua khỏi. Bệnh tui trở nặng rất nhanh, phải đưa lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị".

Song song đó, ông Ba Sùng cùng Ban CTMT ấp tích cực vận động gạo cho hộ nghèo, tặng tập vở cho học sinh nghèo; phối hợp cùng các đoàn thể xét cho các hộ vay vốn sản xuất để phát triển kinh tế gia đình… Riêng năm 2012, Ban CTMT ấp đã vận động hơn 1.000 kg gạo, gần 1.000 quyển tập tặng học sinh nghèo. Năm học 2013-2014, Ban CTMT ấp vận động được hơn 800 quyển tập kịp thời tặng các em học sinh vào đúng năm học mới. Ông Ba Sùng tâm sự: "Bác dạy, giặc dốt thì cũng không thua gì giặc đói nên bên cạnh việc tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững, tôi và anh em cán bộ ấp bảo nhau không để cho các cháu học sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà phải dở dang việc học". Cảm động trước những việc làm của ông Ba Sùng và cán bộ ấp, chị Nguyễn Thị Thu, bộc bạch: "Đầu năm phải lo quần áo, tập vở cho con đi học khá vất vả, may có chú Ba và các chú cán bộ ấp tặng tập vở cho con tôi. Chú Ba còn hứa nếu con tôi học giỏi sẽ có thưởng, con bé vui lắm, bảo sẽ cố gắng học giỏi để không phụ lòng mọi người".

Noi gương Bác, bên cạnh việc giúp đỡ, sẻ chia về vật chất lẫn tinh thần đối với những người nghèo khó, bệnh tật, ông Ba Sùng và tập thể Ban CTMT rất quan tâm tạo điều kiện để các hộ nghèo vay vốn sản xuất. Từ đó, nhiều hộ nghèo trong ấp Trường Phú 1 vươn lên, ổn định cuộc sống. Bà Bùi Thị Liên, ấp Trường Phú 1, nói: "Gia đình tôi rất khó khăn, ít đất sản xuất. Được chú Ba và các chú trong ấp bảo lãnh vay vốn để chăn nuôi, dần dần cuộc sống đã ổn định. Chú Ba Sùng rất quan tâm, gần gũi bà con, nhất là những trường hợp gia đình nghèo". Năm 2012, toàn ấp Trường Phú 1 có 6 hộ thoát nghèo.

Chia tay người thương binh giàu nghị lực, người cán bộ CTMT đầy trách nhiệm, được bà con tin yêu, quý mến, lòng tôi thầm cảm phục tấm lòng của ông Ba Sùng dành cho bà con ấp Trường Phú 1. Tôi cứ ngẫm nghĩ về điều mà ông Ba Sùng tâm đắc khi học theo lời dạy của Bác, đó là làm cán bộ phải biết nêu gương, là người đứng đầu càng phải mẫu mực, làm việc phải chí công, vô tư, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…

Bài, ảnh: TÂM KHOA

Chia sẻ bài viết