06/01/2016 - 21:37

HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CẢI THIỆN NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Với mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng TP Cần Thơ từng bước trở thành trung tâm động lực, phát triển thương mại – dịch vụ (TM DV), những năm qua, thành phố không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu đề ra...

Định vị trung tâm TM DV vùng

Những năm qua, TP Cần Thơ không ngừng đẩy mạnh phát triển nội thương, tăng cường thúc đẩy ngoại thương, tập trung xây dựng dịch vụ chủ lực, hỗ trợ dịch vụ lợi thế, củng cố các dịch vụ theo hướng hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để hướng đến mục tiêu xây dựng TP Cần Thơ từng bước trở thành trung tâm, động lực phát triển TM DV, khẳng định vai trò trung tâm xuất, nhập khẩu hàng hóa của vùng ĐBSCL. Nhờ đó, kinh tế thành phố đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các lĩnh vực đều có bước phát triển đáng kể, nguồn lực xã hội tiếp tục được phát huy. Tăng trưởng kinh tế (GDP – so sánh giá 2010) bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 12,19%. Đến năm 2015, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 77.925 tỉ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2010, hằng năm đóng góp cho vùng khoảng 12-12,25%. Cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp, thủy sản.

TP Cần Thơ đang dần trở thành trung tâm tài chính của khu vực. Trong ảnh: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín Chi nhánh Cần Thơ – Sacombank Cần Thơ khai trương phòng giao dịch tại huyện Cờ Đỏ.

Sự phát triển của TM DV có đóng góp rất lớn của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, như: Co.opmart Cần Thơ, Big C Cần Thơ, Metro Hưng Lợi, Vincom Hùng Vương, Lotte Mart Cần Thơ, Sense City Cần Thơ, Siêu thị điện máy Sài Gòn – Chợ Lớn, Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim,… Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại này mang đến phong cách mua sắm hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Theo đánh giá của đồng chí Lê Hùng Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, một trong những thành tựu nổi bật nhất trong lĩnh vực kinh tế của thành phố là đã thực hiện tốt việc đẩy mạnh phát triển TM DV… Hiện tại, TP Cần Thơ là địa phương duy nhất trong khu vực ĐBSCL và là một trong 13 địa phương trong cả nước có nguồn thu ngân sách được điều tiết về Trung ương.

TP Cần Thơ đang dần khẳng định là trung tâm tài chính của khu vực ĐBSCL. Hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố hoạt động sôi động. Các ngân hàng thương mại lớn của cả nước đều có chi nhánh, cơ sở giao dịch tại TP Cần Thơ. Trên địa bàn thành phố hiện có 51 tổ chức tín dụng với 228 địa điểm giao dịch, đáp ứng đa dạng các dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. Dịch vụ du lịch cũng là điểm nhấn của TP Cần Thơ. Ngành du lịch của TP Cần Thơ phát huy vai trò trung chuyển, điều phối với thế mạnh du lịch sông nước, miệt vườn. Trong phát triển du lịch, TP Cần Thơ đã chủ động liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng, như: liên kết với An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang hình thành tuyến du lịch "Một địa phương bốn điểm đến". Nắm giữ vị trí đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực ĐBSCL với cả nội vùng và liên vận quốc tế, TP Cần Thơ được xác định là trung tâm khu vực, đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế của toàn vùng.

Để đạt mục tiêu kỳ vọng

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực trong phát triển, nhưng theo đánh giá của ngành hữu quan, TP Cần Thơ vẫn chưa khẳng định được vị thế là trung tâm TM DV vùng. Trong hoạt động thương mại – xuất nhập khẩu của thành phố vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: hệ thống bán lẻ còn yếu, chưa phát huy đúng mức tiềm năng của đô thị trung tâm; hầu hết các doanh nghiệp hoạt động thương mại – xuất nhập khẩu còn nhỏ về qui mô, tiềm lực về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lực còn hạn chế. Hoạt động thương mại của thành phố chủ yếu tập trung ở địa bàn đô thị, chưa có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ thương nhân mở rộng hoạt động ra thị trường nông thôn. Công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tạo dựng thương hiệu của thành phố thời gian qua còn nhiều hạn chế; thương mại điện tử chưa được thiết lập; thiếu các biện pháp tích cực để chuyển dịch nhanh cơ cấu mặt hàng xuất khẩu từ hàng nông sản là chủ yếu chuyển sang mặt hàng công nghiệp và chế biến.

TP Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia, trung tâm động lực của vùng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là TM DV với mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp công nghệ cao, trong đó phải hướng đến mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bà Nguyễn Thị Anh, Khoa Chính trị học, Học viện Chính trị khu vực II, cho rằng: "Để đạt mục tiêu trên TP Cần Thơ cần xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm như: cần chú trọng các giải pháp liên kết vùng. Cụ thể thành phố đề xuất mở rộng các liên kết song phương, đa phương để huy động sức mạnh của toàn vùng trong thực hiện các quan hệ kinh tế; phát triển ngân hàng điện tử có giao dịch hiện đại, an toàn, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế hội nhập quốc tế. TP Cần Thơ cần quan tâm nhiều hơn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng TM DV, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Cần tăng cường liên kết, hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, trong đó phát huy vai trò trọng điểm, TP Cần Thơ cần mở rộng các liên kết song phương hiện hữu sang các liên kết đa phương để huy động được sức mạnh của toàn vùng trong việc thực hiện các quan hệ kinh tế".

Bà Lê Thị Bích Ngân, khoa cơ bản, Đại học Tài chính – Marketing, cho rằng: "Trong quá trình phát triển, để xây dựng TP Cần Thơ trở thành trung tâm TM DV của vùng Tây Nam bộ, cần có điều tra việc cải thiện năng lực cạnh tranh. Điều này rất quan trọng vì các đánh giá, phân tích rút ra từ cuộc điều tra này có thể giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh, chính quyền địa phương nâng cao ý thức, trách nhiệm và cải thiện năng lực quản lý. Qua đó nhận diện được những mặt mạnh và những mặt cần được cải thiện". Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, để xây dựng TP Cần Thơ trở thành trung tâm TM DV vùng Tây Nam bộ thành phố cũng cần tiếp tục hoàn tiện thể chế chính sách, cần phát huy các thế mạnh về ảnh hưởng, những tác động và sức lan tỏa đối với các địa phương trong khu vực, trong đó lấy TM DV làm ngành kết nối; hoàn thiện và đồng bộ cơ sở hạ tầng về kết cấu các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đến hệ thống giao thông; tạo môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư; nâng cao công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển DV TM và cả kinh tế - xã hội…

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết