20/10/2021 - 04:27

Hezbollah và ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông 

Kể từ khi được thành lập vào năm 1982, phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon đã hợp tác chặt chẽ với Iran trên khắp Trung Đông, giúp Cộng hòa Hồi giáo mở rộng ảnh hưởng tại khu vực.

Đoàn xe chở dầu của Hezbollah trong vòng tay người ủng hộ. Ảnh: NYT

Đoàn xe chở dầu của Hezbollah trong vòng tay người ủng hộ. Ảnh: NYT

Theo Hãng tin Reuters, thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah là nhân vật hàng đầu trong “Trục kháng chiến” do Iran phát động nhằm chống lại Israel, Mỹ và các đồng minh Arab, giúp Tehran tập hợp và thành lập các liên minh Arab.

Hezbollah còn giúp Iran trở thành một “ông lớn” ở Lebanon, nơi mà Mỹ, Nga, Syria, Saudi Arabia và nhiều nước khác trong nhiều năm ra sức tranh giành ảnh hưởng. Reuters cho hay, sự hiện diện của Hezbollah trong chính trường Lebanon được thể hiện rõ nét hơn sau vụ cựu Thủ tướng Rafik Al-Hariri bị ám sát trong một vụ nổ hồi tháng 2-2005. Năm ngoái, một tòa án do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn đã cáo buộc một thành viên Hezbollah âm mưu giết chết ông Hariri, người được coi là mối đe dọa đối với ảnh hưởng của Iran và Syria ở Lebanon. Đáp lại, Hezbollah tố tòa án này là công cụ của những kẻ thù ở Mỹ và Israel.

 Năm 2008, các tay súng Hezbollah tiếp quản thủ đô Beirut trong một cuộc tranh giành quyền lực với chính phủ lúc bấy giờ do Saudi Arabia và phương Tây hậu thuẫn. Gần đây, Hezbollah đã đứng đầu trong nỗ lực yêu cầu sa thải Thẩm phán Tarek Bitar, điều tra viên chính trong vụ nổ cảng Beirut, do cho rằng cuộc điều tra của ông đã bị chính trị hóa và có phần thiên vị.

Và mới đây, trong nỗ lực giúp Lebanon xoa dịu cuộc khủng hoảng nhiên liệu, Hezbollah đã vận chuyển hơn 1 triệu thùng dầu diesel của Iran từ Syria vào Lebanon,  và tự coi mình là “vị cứu tinh” đối với người dân Lebanon. Theo tờ Thời báo New York, những người ủng hộ Hezbollah xếp thành nhiều hàng dài ở phía Đông Bắc Lebanon khi hàng chục xe tải chở dầu của lực lượng này đến. Họ vẫy cờ Hezbollah, hát quốc ca và bắn rocket phóng lựu lên không trung để ăn mừng.

Một quan chức Hezbollah cho biết số nhiên liệu trên chỉ là một phần trong số 13 triệu thùng dầu sẽ được chuyển tới Lebanon. Số nhiên liệu này được đưa đến Lebanon trong bối cảnh Beirut phải vật lộn để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế mà Ngân hàng Thế giới xem là tồi tệ nhất hành tinh. Kể từ giữa năm 2019, đồng bảng Lebanon đã mất 90% giá trị trong khi giá của nhiều loại hàng hóa thì tăng gấp 3 lần. Thiếu nhiên liệu gây ra tình trạng cắt điện trên diện rộng và khiến nhiều người dân phải xếp hàng dài chờ đổ xăng.

Đặc biệt, mối quan hệ chặt chẽ giữa Hezbollah với Iran còn được minh họa một cách sinh động khi vào năm 2013, lực lượng này cùng với Tehran tham chiến ở Syria để bảo vệ đồng minh chung là Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó tại Iraq, Hezbollah công khai thừa nhận hỗ trợ lực lượng dân quân người Shiite do Iran hậu thuẫn. Còn tại Yemen, Hezbollah cũng đã hỗ trợ lực lượng Houthi thân Iran trong cuộc chiến với liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu. Hezbollah cũng thừa nhận giúp đỡ phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hồi năm 1982 lập ra Hezbollah để “xuất khẩu” cuộc cách mạng Hồi giáo và chống lại các lực lượng Israel xâm lược Lebanon vào thời điểm đó. Hezbollah theo tư tưởng Hồi giáo dòng Shiite của Tehran và coi lãnh tụ tối cao của Iran Ali Khamenei là người soi đường chính trị và tinh thần cho mình.

Hezbollah sở hữu lực lượng hùng mạnh do Iran trang bị và tài trợ. Lực lượng này đã buộc Israel phải rút khỏi Lebanon năm 2000 và bắn 4.000 quả rocket vào Israel trong cuộc chiến 34 ngày năm 2006. Từ đó, Hezbollah ngày càng mạnh hơn. Thủ lĩnh Nasrallah hôm 18-10 cho biết phong trào này hiện có 100.000 tay súng “được đào tạo” và “vũ trang”. Nếu con số này chính xác, các tay súng của phong trào này lớn hơn quân đội chính phủ gồm 85.000 người của Lebanon.

Lực lượng này cũng sở hữu bộ máy tình báo “đáng gờm’ và tự lập chính sách cai quản các khu vực ở phía Nam Beirut và Nam Lebanon cũng như các khu vực biên giới giáp với Syria. Tại Lebanon, Hezbollah điều hành một đế chế bán lẻ, một công ty xây dựng, các trường học cũng như các trạm y tế. 

Dù bị Mỹ và phương Tây coi là tổ chức khủng bố,  nhưng Hezbollah vẫn có chân trong Quốc hội Lebanon và giữ một số ghế bộ trưởng trong chính phủ. Thậm chí năm 2018, phong trào này và đồng minh của mình chiếm đa số ghế trong Quốc hội Lebanon. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết