04/04/2013 - 21:26

BẾN TRE

Hấp lực doanh nghiệp FDI

Sản phẩm nông sản của tỉnh đang thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đến đầu tư (Trong ảnh: Đóng gói nhãn xuất khẩu).

Hiện 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 41 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FD) tại Bến Tre. Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bến Tre, các dự án  FDI đóng góp trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp và gần 60% kim ngạch xuất khẩu hằng năm của tỉnh. Đồng thời tạo việc làm cho trên 18.000 lao động trực tiếp và hàng chục ngàn lao động gián tiếp, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến dừa phát triển mạnh và tạo ra ngành công nghiệp mới như may mặc, giày da, bao bì nhựa, phụ trợ ôtô…

Trong giai đoạn 1990-2000, Bến Tre chỉ có 2 dự án FDI đầu tư lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ dừa. Đầu tiên là Công ty TNHH AVW (Bỉ), sản xuất vỏ dừa cắt miếng và Công ty TNHH Chế biến dừa (Malaysia) chế biến sản phẩm cơm dừa nạo sấy, với tổng vốn đầu tư khoảng 3 triệu USD. Đến năm 2005, Bến Tre thu hút thêm 3 dự án FDI nữa. Trong đó, dự án chế biến sản phẩm cơm dừa nạo sấy của Sri Lanka, được cấp phép năm 2001 đã mở đầu cho tăng trưởng và phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến sản phẩm cơm dừa nạo sấy của tỉnh, góp phần đáng kể đưa Việt Nam (chủ yếu là Bến Tre) nằm trong Tốp 4 các quốc gia xuất khẩu cơm dừa nạo sấy lớn trong khu vực. Song, mốc quan trọng đánh dấu sức hấp dẫn của Bến Tre với nhà đầu tư nước ngoài là từ năm 2006, khi Bến Tre đặc biệt quan tâm và chăm chút đến môi trường đầu tư của tỉnh. Thêm vào đó, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông khánh thành đưa Bến Tre xích lại gần hơn với trung tâm kinh tế lớn cả nước- TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL. Giai đoạn 2006-2012, tỉnh thu hút được 35 dự án FDI từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông Nguyễn Trúc Sơn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bến Tre cho biết, để có được những kết quả này, tỉnh đã có sự chuẩn bị tốt hơn các điều kiện để thu hút và giữ chân nhà đầu tư thông qua việc đầu tư phát triển hạ tầng 2 khu công nghiệp (KCN) Giao Long và An Hiệp. Đồng thời tăng đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước và đào tạo lao động để phục vụ đầu tư. Tính đến cuối năm 2012, hai KCN này thu hút được 16 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 249 triệu USD.

Các dự án FDI đang đầu tư tại tỉnh cũng khá đa dạng trên nhiều lĩnh vực như: chế biến các sản phẩm nông - thủy sản, gia công giày, may mặc, túi xách, công nghiệp phụ trợ điện ôtô và các ngành dịch vụ khác. Mặc dù điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực chất lượng cao… nhưng tỉnh được nhà đầu tư FDI rất quan tâm qua các đợt xúc tiến. Đặc biệt, lần đầu tiên có nhà đầu tư Nhật Bản - Tập đoàn Nidec Tosok chuyên sản xuất sản phẩm công nghệ cao đã đến với Bến Tre. Một dự án của Nhật Bản được cấp phép trước đó (năm 2008) - Công ty TNHH Furukawa Automotive System Việt Nam, chuyên sản xuất bộ dây điện đồng bộ xe ôtô; năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của công ty này đạt trên 100 triệu USD, đóng góp trên 24% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đến nay, Bến Tre có 41 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 309 triệu USD; trong đó vốn thực hiện thời điểm này đạt khoảng 60%, tương đương 186 triệu USD. Trung bình mỗi dự án FDI có vốn đăng ký 7,5 triệu USD. “Tính theo vốn đăng ký, Thái Lan đang là nhà đầu tư số 1 tại Bến Tre, tiếp đến là Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc. Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông, Đài Loan) có nhiều dự án FDI nhưng chỉ có 17 triệu USD vốn đăng ký”- ông Nguyễn Trúc Sơn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bến Tre cho biết.

Quý I/2013, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh tiếp 58 lượt nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến xin chủ trương, đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư và triển khai dự án sau khi được cấp phép. Thêm 6 dự án được cấp chủ trương, 5 dự án trong nước được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 311 tỉ đồng. Tuy nhiên, chưa có thêm dự án FDI nào đăng ký mới trong quý I, ngoài 4 dự án FDI làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư (có 1 dự án tăng vốn đầu tư, 1 dự án điều chỉnh quy mô từ 14ha lên 60 ha nuôi trồng thủy sản và tăng vốn điều lệ...). Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh đang tiếp tục duy trì và tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Theo kế hoạch, trong quý II/2013, trung tâm sẽ tổ chức đoàn khảo sát và xúc tiến đầu tư tại Indonesia về công nghiệp thực phẩm, bánh kẹo; hội nghị giới thiệu đầu tư với các doanh nghiệp Singapore và chuẩn bị hội thảo xúc tiến đầu tư tại Singapore; gặp gỡ trực tiếp với nhóm nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc tại Bình Dương và TP HCM…

Hiện các dự án FDI trên địa bàn tỉnh Bến Tre chủ yếu tập trung vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, thủy sản (sản phẩm từ dừa, hải sản) và sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp, thủy sản (thức ăn, phân bón), chiếm 42% số dự án đầu tư. Địa bàn đầu tư hầu hết vào khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp (chiếm 39% số dự án, nhưng chiếm đến 81% về vốn đăng ký đầu tư). Châu Thành có dự án FDI đầu tư nhiều nhất (42,5%), kế đến là thành phố Bến Tre với 25%, còn lại rải đều các huyện, trừ Chợ Lách và Thạnh Phú. Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bến Tre, thu hút vốn FDI vào tỉnh thời gian qua có nhiều khởi sắc, nhưng so với tiềm năng của tỉnh thì vẫn còn khiêm tốn và chưa thu hút được nhiều dự án có công nghệ, kỹ thuật cao, giá trị gia tăng, qui mô lớn. Hiện tỉnh đang rà soát, đánh giá và phân loại lại các nhà đầu tư và sẽ có chương trình, kế hoạch và chính sách thu hút đầu tư đồng bộ, toàn diện hơn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.

    Bài, ảnh: YẾN MINH

Chia sẻ bài viết