03/12/2010 - 10:30

Hành tung bất định của nhà sáng lập Wikileaks

 

Hãng tin Reuters (Anh) ngày 2-12, cho biết nhà sáng lập mạng tin WikiLeaks, ông Julian Assange (ảnh), đang ở Anh và cảnh sát nước này biết nơi ở của ông ta, nhưng lâu nay cố tình không hành động theo lệnh truy nã quốc tế. Assange, người Úc 39 tuổi, đã cung cấp cho cảnh sát Anh mọi chi tiết liên lạc sau khi đến nước này hồi tháng 10 vừa qua. Báo The Independent (Anh) trích dẫn các nguồn tin cảnh sát cho biết họ đã biết nơi Assange đang lưu trú và có cả số điện thoại của ông này. Báo The Independent tin rằng Assange đang ở khu vực Đông Nam nước Anh.

Đầu tuần này, Cơ quan cảnh sát quốc tế (Interpol) đã ban bố lệnh “báo động đỏ” tới tất cả các nước thành viên, nhằm hỗ trợ bắt giữ Assange, vốn đang bị Thụy Điển truy nã vì tình nghi phạm tội quấy rối tình dục. Tuy nhiên, Cơ quan phòng chống tội phạm có tổ chức nguy hiểm Anh (SOCA) trước nay không công nhận lệnh truy nã này. Trích dẫn các nguồn tin giấu tên, báo Independent cho biết SOCA cần làm rõ “Lệnh truy nã toàn châu Âu” của các công tố viên Thụy Điển.

Luật sư của Assange ở Luân Đôn, ông Mark Stephens, cho rằng cảnh sát Anh không có hành động với Assange vì lệnh truy nã còn tranh cãi, chứ không phải họ không biết nơi ở của Assange. Theo luật sư Stephens, thân chủ của mình chưa nhận được thông báo chính thức về những cáo buộc đối với Assange, một vấn đề được xem là yêu cầu pháp lý theo luật châu Âu. Assange đã nhiều lần đề nghị được đối chất với các nhà điều tra về vụ việc nhưng bất thành. Bản chất thật sự của các cáo buộc đối với ông Assange cũng không rõ ràng. Nhà sáng lập WikiLeaks bị cáo buộc cưỡng hiếp trong chuyến đi tới Thụy Điển, nhưng ông phủ nhận những cáo buộc đó. Luật sư Stephens cho rằng những cáo buộc này là “sai trái và không có căn cứ”. Ngay cả các công tố viên Thụy Điển cũng không nhất trí với nhau về việc liệu có khép ông Assange vào tội nguy hiểm nhất là cưỡng bức hay không. Những tội danh chính thức chưa được quyết định, nhưng lệnh truy nã đã được ban ra vào ngày 18-11, theo yêu cầu của Giám đốc Công tố dân sự Thụy Điển Marianne Ny. Hồi tháng 8, Thụy Điển từng thu hồi lệnh truy nã Assange vì cho rằng không tìm thấy chứng cứ cáo buộc Assange tội cưỡng bức, trước khi mở lại vụ này. Hiện vụ việc được đưa lên Tòa án tối cao Thụy Điển.

Assange, từng là một tin tặc máy tính, có cuộc sống ngày đây mai đó và khai thác sự rò rỉ những vấn đề bí mật. Một vài nguồn tin nước ngoài cho biết Assange đang xem xét xin tị nạn ở Thụy Sĩ, nhưng nước này nổi tiếng là giữ bí mật, nên việc tiết lộ thông tin mật kiểu như WikiLeaks là khó thể chấp nhận. Sau khi gây sóng gió cho chính giới Mỹ vì tiết lộ hàng loạt tài liệu và điện tín ngoại giao mật của Mỹ, WikiLeaks đã thông báo kế hoạch tiếp theo là tiết lộ hàng loạt tài liệu mật của một ngân hàng lớn, được cho là Ngân hàng Mỹ (Bank of America).

Hôm 30-11, Thứ trưởng Ngoại giao Ecuador Kintto Lucas nói rằng Assange sẽ được chào đón ở quốc gia Nam Mỹ này. Tuy nhiên, ý tưởng đó nhanh chóng bị phủ nhận, khi Tổng thống Ecuador Rafael Correa cho rằng cả ông và Bộ Ngoại giao Ecuador đều không thông qua việc để Assange đến Ecuador và nhấn mạnh điều đó sẽ không xảy ra.

Trong khi đó, người phát ngôn của Assange là Karistinn Hrafnsson cho rằng sự an toàn của nhà sáng lập WikiLeaks gặp nguy hiểm sau khi nhiều chính khách Mỹ nói cần phải tiêu diệt ông. Chính quyền Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ hành động để đóng cửa trang mạng WikiLeaks.

N. KIỆT (Theo Reuters, Washingtonpost, AFP)

Chia sẻ bài viết