13/03/2024 - 18:41

Hạnh phúc song hành cùng bình đẳng giới 

Dựa vào so sánh dữ liệu từ Báo cáo Hạnh phúc Thế giới và Báo cáo Khoảng cách giới tính Toàn cầu, giới chuyên môn phát hiện những quốc gia được xếp hạng hạnh phúc nhất toàn cầu cũng là những nước đứng đầu về bình đẳng giới.

Cô Krysta Alexa rất hài lòng với cuộc sống ở Na Uy. Ảnh: CNBC News

Theo trang tin CNBC, Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (LHQ) - tổ chức đứng đằng sau Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, sử dụng 6 yếu tố để chấm điểm mức độ hạnh phúc của các nước bao gồm hỗ trợ xã hội, thu nhập, sức khỏe, tự do, sự hào phóng và không tham nhũng. Trong khi đó, báo cáo Khoảng cách Giới tính Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thì so sánh khoảng cách giới dựa trên 4 khía cạnh: cơ hội kinh tế, trình độ học vấn, trao quyền chính trị bên cạnh sức khỏe và sự sinh tồn.

Trong danh sách năm 2023, Phần Lan, Iceland, Thụy Điển, Na Uy và New Zealand lần lượt xuất hiện trong tốp 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Còn trong bảng xếp hạng về bình đẳng giới, Iceland, Na Uy, Phần Lan, New Zealand và Thụy Điển chính là tốp 5 quốc gia bình đẳng nhất thế giới. Những nước này vốn dẫn đầu toàn cầu về bình đẳng giới và nâng cao hạnh phúc của người dân trong nhiều năm, ít nhất từ năm 2018.

Bình đẳng giới thúc đẩy hạnh phúc

Theo các chuyên gia và người dân những nơi này, thái độ tích cực về bình đẳng giới trong xã hội đã góp phần mang lại hạnh phúc chung cho cộng đồng.

Để rõ hơn điều này có thể xét lại nghiên cứu của WEF, trong đó thiết lập mối tương quan giữa chính sách xã hội, hạnh phúc gia đình và sự thăng tiến nghề nghiệp của phụ nữ. Kết quả cho thấy nhiều nước Bắc Âu như Iceland, Thụy Điển, Phần Lan hay Na Uy đều có điểm chung là có nhiều chính sách hỗ trợ gia đình nhất, chẳng hạn được nghỉ phép có lương thời gian dài. Đơn cử như Na Uy, cha mẹ mới có con được hưởng tổng cộng 49 tuần nghỉ phép với mức lương đầy đủ hoặc 59 tuần với mức lương 80%. “Na Uy có sự hỗ trợ rõ ràng giúp người dân cân bằng giữa công việc và gia đình. Ở nhiều nước, phụ nữ phải gác lại sự nghiệp để ở nhà chăm con. Nhưng ở đây, tôi cảm thấy mình có thể có tất cả khi cân bằng giữa sự nghiệp và việc làm mẹ” - quản lý người Mỹ Krysta Alexa đang sinh sống tại Na Uy cho biết.

Theo các nhà chuyên môn, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá cả phải chăng ở những nước này cũng là yếu tố tích cực giúp nâng cao phúc lợi của phụ nữ và gia đình. Ví dụ ở Na Uy, việc chính phủ tăng tài trợ cho nhà trẻ đã thúc đẩy nhiều bà mẹ quay trở lại làm việc hơn; còn Thụy Điển là một trong những nước có tỷ lệ bà mẹ tham gia lực lượng lao động cao nhất trong số 38 quốc gia được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thống kê.

Nỗ lực trả lương bình đẳng

Ngoài hỗ trợ cuộc sống gia đình, các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới còn nỗ lực thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới nhằm thúc đẩy công bằng ở nơi làm việc, để người lao động an tâm và hài lòng hơn trong công việc. Chẳng hạn, New Zealand hồi năm ngoái đã đề xuất dự luật yêu cầu các doanh nghiệp lớn báo cáo tình trạng chênh lệch lương theo giới tính. “Xứ sở kiwi” hiện là một trong những nước có khoảng cách tiền lương theo giới nhỏ nhất thế giới (14%).

Còn tại Iceland, quốc gia này từ 6 năm trước đã đề ra chính sách yêu cầu các đơn vị, tổ chức có từ 25 nhân sự trở lên chứng minh họ trả lương bình đẳng cho người lao động nam và nữ đảm nhiệm chức vụ như nhau. Công ty sau đó có thể được cấp giấy chứng nhận và loại giấy tờ này được xếp vào loại bắt buộc kể từ năm 2020. Những đơn vị không thỏa mãn điều kiện sẽ bị phạt. Đối với cách làm này, nhà nghiên cứu Ines Wagner cho biết minh bạch trong trả lương và phúc lợi giúp nhân viên và quản lý hài lòng ở nơi làm việc.

Ngoài những điểm cơ bản trên, những nước đạt chỉ số cao về mức độ hạnh phúc và bình đẳng giới còn thực hiện nhiều chiến lược khác giúp người dân cảm thấy họ có thể thành công và được hỗ trợ trong việc theo đuổi giáo dục hoặc nghề nghiệp. Chẳng hạn, Phần Lan, Iceland và Thụy Điển có chính sách miễn phí học đại học đối với công dân của họ. Như vậy, mỗi người có thể tiếp cận bình đẳng hơn với cơ hội làm việc được trả lương cao. “Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những quốc gia hạnh phúc nhất thường là nước có khoảng cách giàu nghèo nhỏ nhất” - Giáo sư tâm lý học Claudia Bernhard-Oettel kết luận.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết