Dư luận thế giới gần đây xôn xao việc cặp vợ chồng người Úc bị cáo buộc bỏ lại con cho người mang thai hộ khi em bé được chẩn đoán mắc Hội chứng Down - chứng rối loạn phát triển thể chất và trí tuệ khiến trẻ khù khờ và nhiều dị tật, đau bệnh. Vụ việc này đã soi rọi vào góc khuất tồn tại lâu nay của một nghề phổ biến nhưng không được công nhận - "đẻ thuê".
Giống như hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn trên thế giới, hai vợ chồng người Úc phải tìm đến dịch vụ "đẻ thuê" ở Thái Lan để thực hiện giấc mơ có con. Nhưng họ chỉ mang về nước đứa con khỏe mạnh, bỏ lại em bé song sinh bị Hội chứng Down và bệnh tim bẩm sinh cho cô Pattaramon Chanbua - người đã mang thai hộ. Sự "trục trặc" này là một ví dụ về giao dịch thường không được đảm bảo giữa cha mẹ ruột và người "đẻ thuê".
Do sự khác biệt về luật pháp và quy tắc đạo đức, nhiều cặp vợ chồng ở các quốc gia cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt việc mang thai giúp người khác tìm đến các nước không có các quy định này để có con. Đối với những người đến từ các nước nói tiếng Anh, họ có thể tìm đến Mỹ để có thể tiếp xúc nhiều hơn với người sinh hộ. Nhưng chi phí của dịch vụ này tại xứ cờ hoa khoảng 150.000 USD, cao hơn nhiều so với châu Á (với giá trung bình 60.000 USD-70.000 USD, gồm vé máy bay và chỗ ở). Do đó, Thái Lan và Ấn Độ nổi lên như hai điểm đến chính của những ai muốn tìm người đẻ thay.
Cô Pattaramon Chanbua và đứa con cô mang thai hộ bị cha mẹ bỏ rơi. Ảnh: WN.com
Với chi phí thấp, bác sĩ có tay nghề và đầy đủ thiết bị y tế cần thiết, Ấn Độ là một trung tâm lớn về dịch vụ "đẻ thuê" tại châu Á. Tuy được hợp pháp hóa từ năm 2001, "ngành công nghiệp" trị giá khoảng 1 tỉ USD/năm này của Ấn Độ được quản lý rất lỏng lẻo. Nhiều lỗ hổng pháp lý đã gây nên tình trạng phụ nữ bị trục lợi tràn lan. Một ca mang thai hộ trọn gói tại xứ sở cà ri thường có giá khoảng 18.000-30.000 USD, trong đó người sinh hộ được trả 5.000 USD - 7.000 USD. Manasi Mishra, tác giả hai báo cáo của chính phủ về vấn đề mang thai hộ tại Ấn Độ, cho biết với hầu hết phụ nữ "đẻ mướn", khoản tiền công có thể giúp họ xây nhà mới hoặc cho con cái ăn học tốt hơn vì số tiền đó có thể hơn cả gia tài mà họ tiết kiệm trong 10 năm. Tuy nhiên, nhiều chị em vẫn bị các đại lý và chủ cơ sở y tế gạt, và chỉ nhận được một phần nhỏ khoản tiền mà họ được hứa trả. "Nhiều trường hợp phụ nữ bị sẩy thai không được trả đồng nào. Thay vào đó, các đại lý chuyển sang trách mắng người phụ nữ và cho rằng sẩy thai là lỗi của cô ấy" - Ranjana Kumari, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội tại New Delhi nói.
Năm 2012, Ấn Độ ban hành lệnh cấm cung cấp dịch vụ cho các cặp đồng giới, người chưa kết hôn và người đến từ các nước không cho phép việc sinh con hộ. Quy định này khiến nhiều đối tượng khách hàng tìm đến Thái Lan. Theo luật sư Nandana Indananda ở Bangkok, Thái Lan nở rộ dịch vụ này vì sở hữu lực lượng lớn phụ nữ nghèo sẵn sàng mang thai hộ để kiếm sống và đội ngũ bác sĩ sản khoa giỏi. Nguồn khách hàng chính của họ là những gia đình giàu có từ Hồng Công, Đài Loan và Úc. Tương tự như ở Ấn Độ, những kẽ hở trong quản lý dịch vụ này bị khai thác và tạo nên những góc khuất. Trong vụ việc ở Thái Lan, cô Chanbua cho biết vẫn chưa nhận đủ 9.300 USD như được hứa.
Tuy nhiên, không phải lúc nào thiệt thòi cũng về phía người đẻ mướn. Luật sư Wei Xin ở Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết nhiều khi người mang thai hộ cảm thấy gắn kết với đứa bé và muốn giữ lại làm con mình. Nhiều trường hợp cha mẹ ruột phải trả thêm tiền mới có thể nhận được con.
THUẬN HẢI (Theo AP)