09/09/2010 - 08:53

Giống mà khác !

Nét đăm chiêu của Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso. Ảnh: Reuters

Trong thông điệp liên minh đầu tiên của mình tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp) hôm 7-9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso kêu gọi phát hành trái phiếu EU nhằm khởi động các dự án cơ sở hạ tầng và ngăn chặn tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng khắp khu vực. Ông Barroso phác thảo một số loại hình cung cấp tài chính mới và quả quyết rằng quá trình hồi phục kinh tế đang “lấy đà mặc dù chưa đồng đều trong EU”. Chủ tịch EC còn cam kết thúc đẩy ban hành quy định về thị trường tài chính và xúc tiến các kế hoạch mới nhằm củng cố thị trường chung của khối.

Tuyên bố của ông Barroso đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama trình bày kế hoạch dành 50 tỉ USD hiện đại hóa hạ tầng giao thông nước này. Tuy nhiên, trong khi diễn văn của ông Obama được những người ủng hộ hoan nghênh, thậm chí những người phản đối cũng ứng xử lịch thiệp với nhà lãnh đạo đất nước, thì ông Barroso không chỉ nhận được sự thờ ơ mà còn bị công kích về nhiều vấn đề khác, kể cả năng lực lãnh đạo.

Những năm trước, ông Barroso từng trình bày trước Nghị viện châu Âu, nhưng lần này bài phát biểu của ông đề cập nhiều vấn đề rộng hơn nhằm phản ánh sự thay đổi cơ chế quyền lực của EU sau khi Hiệp ước Lisbon có hiệu lực từ ngày 1-12-2009. Với cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực đồng euro năm nay, bài diễn văn của ông tập trung vào vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, ông Barroso bị chỉ trích là bốc sai “đơn thuốc” cho “căn bệnh” phục hồi kinh tế chậm chạp của EU. Muốn cải thiện thị trường việc làm chung, nhưng ông, cũng như hầu hết các quan chức ở Brussels, chỉ quan tâm tới việc xây dựng hệ thống quy định mới về tài chính của khối. Hôm 7-9, các bộ trưởng tài chính EU đã thông qua kế hoạch thành lập 3 cơ quan mới để giám sát các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và chứng khoán. Trong khi đó, không như các nghị sĩ EU, giới nghiệp đoàn đang tổ chức đình công nhằm phản đối các chính sách tài chính “khắc khổ”. Tại Pháp, nhiều cuộc tuần hành đang diễn ra rầm rộ để phản đối kế hoạch của chính phủ tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62. Tại Anh, công nhân xe điện ngầm cũng bãi công phản đối các kế hoạch tăng giờ làm và sa thải nhân viên. Các chuyên gia dự báo đình công có thể diễn ra ở nhiều khu vực khác của châu Âu.

Để hiện thực hóa kế hoạch phát hành trái phiếu EU, ông Barroso sẽ phải giành được sự ủng hộ của 27 nước thành viên EU, nhưng một số nước dường như sẽ chống đối. Nhiều thập niên qua, những người tiền nhiệm của ông cũng từng thất bại với ý tưởng sử dụng tiềm lực tài chính của khối để tăng vốn cho các dự án lớn.

Cùng muốn nâng cấp cơ sở hạ tầng như nhau, nhưng với ông Obama ở Mỹ thì dễ, còn với ông Barroso tại cựu lục địa thì không đơn giản tí nào. Giống mà khác là vậy!

N. MINH (Theo WSJ, NYT)

Nét đăm chiêu của Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết