25/04/2013 - 19:57

Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ

Giảm chi phí thay khớp háng, khớp gối cho bệnh nhân nghèo

Phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối chi phí rất cao, từ 40-70 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay Bảo hiểm y tế đã thực hiện thanh toán các dụng cụ phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng. Bệnh nhân có bảo hiểm y tế chỉ phải trả mức phí chênh lệch, khoảng 10 triệu đồng. Đây là tin vui đối với hầu hết bệnh nhân nghèo, đặc biệt là đối tượng người cao tuổi dễ bị chấn thương, có nhu cầu thay khớp háng, khớp gối, để thuận tiện trong việc đi lại.

Sau phẫu thuật thay khớp, bệnh nhân được tập vật lý trị liệu để mau hồi phục. 

Bà Võ Thị Hai (91 tuổi, ở quận Bình Thủy) vừa được thay khớp háng tại Khoa Ngoại - Chấn thương, Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ. Cô Trần Thị Thanh Vân, con gái bà Hai, cho biết: "Đây là lần thứ hai mẹ tôi phẫu thuật thay khớp háng tại BV này. Hai lần xảy ra sự cố, đều do mắt bà kém, nhìn không rõ, kèm theo rối loạn tiền đình nên té ngã, đỡ không kịp dẫn đến chấn thương. Đợt trước, chi phí ca phẫu thuật tốn khoảng 40 triệu đồng. Đợt này các bác sĩ cho biết do bảo hiểm xã hội đã thanh các dụng cụ phẫu thuật thay khớp háng nên chi phí giảm rất nhiều, chỉ còn khoảng 10 triệu đồng, gia đình tôi rất mừng". Cô Vân còn cho biết, sau phẫu thuật, mẹ cô được các điều dưỡng thực hiện tập vật lý trị liệu với những động tác như: dang chân, vận động chân đau, ngồi, đỡ lưng, đầu, chống tay... Hai ngày sau phẫu thuật, bà Hai có thể ngồi dậy được. Vì vậy mà thân nhân và người bệnh rất đỗi yên tâm. Sau khi về nhà, bệnh nhân tiếp tục tập vật lý trị liệu tại nhà.

Bà Lê Thị Đông (95 tuổi, ở huyện Thới Lai) cũng thực hiện thay khớp háng tại BV này. Chú Phạm Văn Thêm, con trai bà Đông, cho biết: Bà Đông té ngã, ban đầu gia đình tưởng bà chỉ trật chân. Nhưng thấy cụ than đau nhức chân kéo dài nên con cháu đưa đến cơ sở y tế khám, mới biết cụ bị gãy xương. Chú Thêm cho biết, do bà cụ có bảo hiểm y tế nên chỉ phải trả chi phí ca mổ khoảng 10 triệu đồng. Kinh tế gia đình không khá giả nên khoảng chi phí này tương đối phù hợp. Nếu cao hơn nữa thì không kham nổi. Sau phẫu thuật, các bác sĩ dặn dò bệnh nhân chỉ nên vận động nhẹ nhàng, thường xuyên đi tới đi lui, không được ngồi ghế thẳng gối.

Tương tự, dì Nguyễn Thị Thôi (66 tuổi, ở Thới Lai) nhập viện thay khớp gối, do biến chứng bệnh đau nhức xương khớp. Trước đây, dì đã điều trị nhiều nơi, uống thuốc, bó thuốc đủ loại, ai chỉ gì làm nấy nhưng bệnh chỉ thuyên giảm, chớ không dứt hẳn, đau nhức kéo dài, nên dì quyết định phẫu thuật thay khớp gối, với chi phí khoảng 20 triệu đồng.

Bác sĩ Trần Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại - Chấn thương, BV Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chấn thương cần phẫu thuật thay khớp gối và khớp háng. Phẫu thuật thay khớp háng thường sử dụng cho các bệnh nhân lớn tuổi bị gãy cổ xương đùi do các chấn thương rất nhẹ, tưởng chừng như vô hại như: trượt chân ngã trong nhà, hay các bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng nặng, một số trường hợp viêm khớp, lao khớp háng,… Phẫu thuật thay khớp gối thường sử dụng cho các bệnh nhân lớn tuổi bị thoái hóa khớp gối nặng, dẫn đến đau đớn và hạn chế vận động. Ở các bệnh nhân viêm khớp, thoái hóa khớp nếu không đến các cơ sở chuyên khoa, để được hướng dẫn và điều trị phù hợp, theo từng giai đoạn của bệnh mà uống thuốc giảm đau lâu ngày, không đúng cách (nhất là các thuốc nhóm corticoid) khiến cho tình trạng bệnh lý ở khớp ngày càng nặng thêm mà bệnh nhân còn bị thêm nhiều tác dụng phụ của thuốc. Khớp nhân tạo thường có chi phí rất cao so với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam. Do đó, rất nhiều người bệnh hoặc không biết đến các cơ sở chuyên khoa phù hợp hoặc không đủ tiền chi trả cho phẫu thuật nếu không có BHYT hỗ trợ, đành phải âm thầm chịu đau đớn và tàn tật.

Từ năm 2009, Bảo hiểm xã hội TP Cần Thơ đã thực hiện thanh các dụng cụ phẫu thuật thay khớp gối và đầu năm 2013 bắt đầu thanh các dụng cụ phẫu thuật thay khớp háng. Nhờ đó, tạo điều kiện cho nhiều bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân nghèo, thu nhập trung bình, có thể thực hiện phẫu thuật, để thuận tiện đi lại, đảm bảo chất lượng cuộc sống. Nhiều bệnh nhân đến thăm khám, biết được chính sách mới từ bảo hiểm xã hội, rất phấn khởi và đồng ý phẫu thuật. Đối với đối tượng người cao tuổi, các bác sĩ thận trọng xem xét, cân nhắc tình trạng, có nên phẫu thuật cho bệnh nhân. Trước đây, chi phí ca thay khớp gối khoảng 70 triệu đồng; khớp háng từ 40 đến 50 triệu đồng. Hiện nay, bệnh nhân trả 20% chi phí phẫu thuật đối với thẻ bảo hiểm y tế điều trị đúng tuyến và trả 50% đối với bệnh nhân điều trị trái tuyến. Một ca phẫu thuật chi khoảng 10 triệu đồng.

Các bác sĩ khuyên bệnh nhân sau phẫu thuật: khớp háng nhân tạo không thể hoàn hảo như khớp háng của người khỏe mạnh, do đó, để tránh trật khớp háng nhân tạo, bệnh nhân không được bắt chéo hai chân qua nhau, không gấp háng quá 90 độ. Nếu trước chấn thương, bệnh nhân có thể tự đi lại thì sau phẫu thuật thành công, bệnh nhân sẽ nhanh chóng đi lại được. Bệnh nhân lớn tuổi, trước chấn thương đã không thể tự đi lại thì vẫn có thể phẫu thuật thay khớp háng nếu tình trạng nội khoa của bệnh nhân cho phép phẫu thuật. Mục đích của phẫu thuật là giúp giảm đau, bệnh nhân được đỡ ngồi dậy, tránh các biến chứng do nằm lâu, dẫn đến mau tử vong.

Bài, ảnh: Hải Tiến

Chia sẻ bài viết