Trong bối cảnh đổi mới và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, khoa học và công nghệ (KHCN) đóng vai trò then chốt trong phát triển bền vững ngành Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT). Ngày 22-12-2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo các chuyên gia, Nghị quyết số 57-NQ/TW ra đời đưa KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành nền tảng, xung lực mới phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, quản lý tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường bền vững.
Định hướng chiến lược
Theo ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ NN&MT, Nghị quyết 57-NQ/TW xác định định hướng chiến lược, với tầm nhìn xuyên suốt: KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, mà còn là thời cơ tốt nhất để Việt Nam vươn mình thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới. NN&MT là 2 lĩnh vực đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường; mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống dựa vào lao động thủ công, chi phí đầu vào cao, giá trị gia tăng thấp không còn phù hợp. Trong khi đó, các xu hướng như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết. Muốn thay đổi cục diện, toàn ngành phải đổi mới tư duy và cách làm, phải lấy KHCN và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển.

Máy bay không người lái ứng dụng trong gieo sạ, bón phân... cho lúa được giới thiệu tại một sự kiện do Tập đoàn Lộc Trời tổ chức tại tỉnh An Giang.
TS. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khẳng định: Không có tổ chức hay quốc gia nào đạt được vị thế bền vững nếu không sở hữu nền KHCN hiện đại. Nghị quyết 57-NQ/TW phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu, đặt KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển đất nước. Đồng thời, thể hiện tầm nhìn đột phá khi xác định đây là cuộc cách mạng, trong đó nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, còn nhà khoa học là lực lượng chủ lực. Đặc biệt, việc từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” sẽ mở đường cho nhiều mô hình đổi mới hiệu quả.
Thời gian qua, ngành NN&MT có nhiều bước tiến trong ứng dụng KHCN và chuyển đổi số, từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh đến giám sát môi trường tự động, số hóa dữ liệu đất đai, rừng và khí tượng… Hiện Bộ NN&MT có tổng cộng 21 tổ chức KHCN, 180 phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu KHCN. Giai đoạn 2021-2025, kinh phí nhà nước đầu tư cho KHCN của Bộ là 4.687 tỉ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp là 3.594 tỉ đồng và môi trường là 1.089 tỉ đồng. Về công tác nghiên cứu KHCN, giai đoạn 2021-2025, tổng cộng có 1.201 chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ KHCN đã và đang triển khai; trong đó có 735 nhiệm vụ đã hoàn thành, 466 nhiệm vụ đang triển khai… Ngoài ra, ngành NN&MT còn phối hợp với các đối tác, tổ chức quốc tế xây dựng, triển khai nhiều dự án liên quan đến thích ứng biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững…
Thay đổi tư duy, quyết tâm hành động
Bên cạnh những kết quả đạt được cũng như thuận lợi căn bản, ứng dụng KHCN, chuyển đổi số vào ngành NN&MT vẫn vướng nhiều bất cập. Một trong những vấn đề cốt lõi là chưa có hành lang pháp lý đủ linh hoạt để thu hút, giữ chân đội ngũ nhà khoa học trình độ cao. Bên cạnh đó, việc phân bổ nguồn lực cho KHCN thiếu hợp lý. Ở cấp địa phương, ngân sách chi cho KHCN có thể lên tới 2% tổng chi, nhưng lại thiếu đội ngũ nhân lực thực hiện. Trong khi đó, ở cấp Trung ương, nơi tập trung nhiều nhà khoa học đầu ngành lại thiếu kinh phí để triển khai nghiên cứu. Không chỉ vậy, đầu tư theo kiểu manh mún, dàn trải theo giai đoạn khiến nhiều nơi có thiết bị nhưng không có người vận hành, có phòng thí nghiệm nhưng lại thiếu kinh phí để duy trì. Một rào cản lớn nữa chính là thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài. Nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học mất tới 5-6 năm từ khi đề xuất đến khi được phê duyệt và triển khai, khiến kết quả nghiên cứu không còn phù hợp thực tế; chậm chuyển giao công nghệ vào sản xuất và gây lãng phí nguồn lực đầu tư…
ThS. Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số, cho rằng, vấn đề chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện công nghệ, mà bắt đầu từ sự chuyển biến trong tư duy quản lý và hoàn thiện khung pháp lý. Chuyển đổi số ngành NN&MT hướng đến ba trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong ngành dự kiến đạt từ 20-30%, thông qua việc số hóa tài nguyên, dữ liệu và ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, điều hành. Để đạt mục tiêu đề ra, ngành NN&MT xác định một số giải pháp đột phá: hoàn thiện thể chế pháp luật về chuyển đổi số, đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao và ứng dụng các công nghệ chiến lược như Big Data, AI, IoT trong nghiệp vụ. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất xây dựng chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số - yếu tố then chốt quyết định sự thành công. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cho cơ sở dữ liệu chuyên ngành và đảm bảo dữ liệu chính xác, đầy đủ, cập nhật và có khả năng chia sẻ, liên thông giữa các hệ thống.
Theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW, thể chế, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ là bốn trụ chính, nhưng tất cả đều phải xoay quanh con người. “Người đứng đầu phải vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo, sử dụng thành thạo công nghệ và chịu trách nhiệm. Hành trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xây dựng quốc gia đổi mới sáng tạo không thể chỉ dừng ở kế hoạch hay khẩu hiệu. Đó là chặng đường của sự dấn thân, của đổi mới tư duy, hành động quyết liệt và đặc biệt là trọng dụng người tài như một chiến lược sống còn” - TS. Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh.
TS. Phan Xuân Dũng kiến nghị các bộ, ngành tăng cường đặt hàng nghiên cứu, sử dụng hiệu quả kết quả khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực phát sinh từ thực tiễn như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, cần đẩy mạnh truyền thông phổ biến tri thức đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, và tôn vinh đội ngũ trí thức để tạo thêm động lực phát triển trong kỷ nguyên mới. Một số ý kiến đề xuất, các chính sách đột phá về tài chính, thể chế cần được triển khai nhanh chóng nhằm tháo gỡ rào cản pháp lý, thử nghiệm công nghệ mới, miễn trừ trách nhiệm khi mô hình đổi mới không thành công, và quan trọng nhất: tạo không gian sáng tạo an toàn và khuyến khích mạo hiểm cho doanh nghiệp và nhân tài.
Bài, ảnh: MỸ THANH