10/04/2025 - 08:28

Xu hướng ứng dụng AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe răng miệng 

(CTO) - Gần đây, ngành nha khoa nước ta ứng dụng mạnh mẽ những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác chăm sóc sức khỏe răng miệng cho cộng đồng. Các công cụ AI với vai trò trợ thủ đắc lực có thể giúp nha sĩ đưa ra những chẩn đoán, phác đồ điều trị cũng như tiên lượng được kết quả điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, người thầy thuốc hiện vẫn giữ vai trò cầm trịch, bởi sự đồng hành quan trọng và cần thiết đối với bệnh nhân. 

* Thử tài AI

Các ứng dụng chat của AI có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích trong vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng.

Khi có thắc mắc về sức khỏe răng miệng, chính bạn cũng có thể đặt câu hỏi cho ChatGPT. Ngay lập tức, bạn sẽ có những câu trả lời, về những triệu chứng bất thường của răng miệng, các giai đoạn bệnh, thậm chí chỉ định thuốc cần dùng và không nên dùng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nha khoa, nên thận trọng trước các thông tin được cung cấp từ AI và cần thiết tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa để có thể được thăm khám và điều trị kịp thời. Một điều đáng lưu ý của AI chính là câu trả lời thường dùng chung cho tất cả mọi người, không phân biệt về độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, tiền sử mắc bệnh và chống chỉ định thuốc riêng của mỗi người.

Trong chương trình truyền hình trực tuyến Chăm sóc răng miệng trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo AI của Báo Sức khỏe và đời sống, người dẫn chương trình đã đưa ra các tình huống để thử tài AI, đồng thời, đối chiếu với giải đáp của các chuyên gia nha khoa. Kết quả cho thấy, một số trường hợp AI cung cấp thông tin nhanh và độ chuẩn xác cao, tuy nhiên, nhiều trường hợp, không tin không thỏa đáng, thậm chí sai lệch. BS CKII Tô Việt Thanh, Phó Trưởng khoa Cấy ghép răng BV Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam đánh giá, AI không phân biệt tính cá nhân hóa, nên nhiều câu trả lời có thể đúng nhưng chưa đủ.

Đơn cử, khi đặt câu hỏi cho ChatGPT về cách đánh răng đúng, thì người dùng nhận được câu trả lời gồm 4 ý, đó là: đặt bàn chải ở góc 45 độ, chảy nhẹ nhàng theo vòng tròn; làm sạch mặt ngoài, mặt trong, mặt nhai và chải lưỡi; dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng; không chạm mạnh, không đánh răng ngay sau khi ăn. Theo TS.BS Nguyễn Bích Vân, Nguyên Trưởng bộ môn Nha chu, Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, câu trả lời này của AI đạt gần 80% thông tin khuyến cáo của nha sĩ về vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng thông thường. BS Vân lý giải, AI không nói rõ nên đặt bàn chải ở vùng cổ răng và việc dùng chỉ nha khoa không đủ làm sạch răng đối với trường hợp viêm nướu cũng như không phải trường hợp nào cũng có thể sử dụng nước súc miệng,...

Ở một câu hỏi khác, đó là “Vì sao phải chăm sóc nướu”, AI đã đưa ra đáp án: “Chăm sóc nướu rất quan trọng vì giúp ngăn ngừa viêm nướu và nha chu, tránh chảy máu, sưng đau, thậm chí mất răng. Hai là bảo vệ sức khỏe răng miệng, nướu khỏe giúp răng chắc, ngăn ngừa sâu răng. Ba là giảm nguy cơ bệnh toàn thân, vì viêm nướu liên quan đến tim mạch, tiểu đường. Bốn là giữ hơi thở thơm mát, hạn chế vi khuẩn gây hôi miệng và năm là cải thiện thẩm mỹ, nướu hồng hào giúp nụ cười đẹp hơn”.

BS Vân đánh giá đây là câu trả lời chuẩn xác của AI đối với việc bảo vệ nướu răng. Rõ ràng AI đã cập nhật những kiến thức mới nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe răng miệng. Trong đó, có một kiến thức rất mới, đó là mối liên hệ của các bệnh răng miệng đối với sức khỏe toàn thân như bệnh đái tháo đường, tim mạch, rối loạn chuyển hóa... Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe thể chất toàn diện, cần chú ý bảo vệ răng miệng, bảo vệ nướu, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh toàn thân liên quan.

Tuy nhiên, trong một trường hợp khác, thì người hỏi cần cân nhắc với các câu trả lời của AI. Đó là câu hỏi, “Nhổ răng xong bị chảy máu, uống thuốc gì?”. ChatGPT đã trả lời, nếu nhổ răng bị chảy máu có thể làm theo các bước kiểm soát tình trạng chảy máu và giảm đau; chườm lạnh lên má; uống các loại thuốc giảm đau, chống viêm, cầm máu….

Theo BS Thanh, trong câu trả lời của ChatGPT có hai phần, một là những thao tác tại chỗ và hai là khuyến cáo sử dụng thuốc. Phần hướng dẫn các thao tác xử lý thì ổn; tuy nhiên, về khuyến cáo sử dụng thuốc, bệnh nhân không nên tự ý uống khi chưa được bác sĩ thăm khám, kê đơn thuốc. Điều đó, tiềm ẩn nguy cơ tương tác thuốc, sốc phản vệ nếu có tình trạng dị ứng thuốc.

* Trợ thủ đắc lực

Theo TS.BS Nguyễn Bích Vân, trí tuệ nhân tạo đã có nhiều bước tiến trong lĩnh vực y tế nói chung và nha khoa nói riêng. Trước tiên, đó là hiệu quả tối ưu hóa quy trình làm việc, tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân. Nhiều BV lớn, phòng khám nha khoa đã trang bị các máy móc hiện đại tích hợp trí tuệ nhân tạo. Gần đây Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phát triển chương trình phát hiện sâu răng qua ảnh chụp màu. Từ ảnh chụp qua điện thoại, AI có thể phát hiện tình trạng, mức độ sâu răng chính xác khoảng 84%. Còn Đại học Quốc gia Hà Nội ứng dụng AI phát hiện những tổn thương quanh chóp răng nhanh chóng và tỷ lệ chính xác lên tới hơn 95%... Có thể thấy, trên nền tảng BigData, các công cụ AI có khả năng phân tích hàng loạt dữ liệu từ hình ảnh chẩn đoán, giúp nha sĩ phát hiện các vấn đề nha khoa từ sớm và chính xác hơn. Bên cạnh đó, AI cũng hỗ trợ nha sĩ lập kế hoạch điều trị cá nhân hóa, dựa trên dữ liệu lịch sử và tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Lĩnh vực phẫu thuật răng hàm mặt đã có sự xuất hiện của robot hỗ trợ và các công cụ AI giúp các thủ thuật nha khoa chính xác hơn, ít xâm lấn.

Trong số lời khuyên của AI để bảo vệ răng khỏe đúng cách, có lời khuyên cần đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày và đánh ngay sau khi ăn.

Tuy nhiên, theo BS CKII Tô Việt Thanh, AI là xu hướng, với vai trò là trợ thủ đắc lực chứ chưa thể thay thế các bác sĩ chuyên khoa. Hiện tại, AI chưa thể thay thể bác sĩ trong vai trò đánh giá toàn diện cho bệnh nhân, như tiền sử bệnh, tiền sử gia đình, triệu chứng, mức độ bệnh, kể cả các trường hợp mắc bệnh hiếm hay bệnh phức tạp. Đặc biệt, vai trò của thầy thuốc chính là đồng hành cùng bệnh nhân, trong mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, cân nhắc ra quyết định về phác đồ điều trị, kế hoạch điều trị cá nhân hóa. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, việc ứng dụng AI rộng rãi trong cộng đồng để chăm sóc sức khỏe răng miệng rất tốt. AI có thể đưa ra những khuyến cáo, thông tin hữu ích mà có thể chúng ta mất nhiều thời gian để tìm kiếm. Từ đó, mọi người có thể chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng bản thân. Tuy nhiên, liên quan đến tình trạng bệnh, phương pháp bảo vệ răng miệng cụ thể, chi tiết, chính xác, vẫn cần tham vấn những chuyên gia răng hàm mặt.

Với sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực y tế, BS Vân tiên đoán, trong vòng 5 năm tới, đa số các phòng mạch sẽ phổ biến ứng dụng AI, hỗ trợ bác sĩ trong công tác chẩn đoán, lên kế hoạch điều trị và bệnh nhân có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe răng miệng tại nhà. Trong vòng 10 năm tới, AI có thể tiên lượng được khả năng, nguy cơ sâu răng và những bệnh lý viêm nướu đến từng cá nhân.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết