14/05/2025 - 08:42

Về di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp 

Theo tuyến quốc lộ 1 chúng tôi về TP Tân An, tỉnh Long An rồi chuyển sang quốc lộ 62 về Khu Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp. Gò Tháp là một địa chỉ lịch sử, văn hóa, nơi từng là căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp; cũng là địa điểm diễn ra nhiều trận đánh, trong đó có trận đánh lớn của quân ta làm đổ sập Viễn vọng đài, tức Tháp mười tầng của chính quyền Ngô Ðình Diệm.

Cổng vào Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp. Ảnh: PTH

Gò Tháp là trung tâm của Đồng Tháp Mười. Khi đất nước bị thực dân Pháp xâm chiếm cuối thế kỷ XIX, Gò Tháp là đại bản doanh cuộc khởi nghĩa của 2 vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Sau năm 1945, Gò Tháp là nơi đặt cơ quan trọng yếu của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nơi đây được Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ chọn làm căn cứ kháng chiến trong giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1949. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Gò Tháp còn là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân tỉnh Kiến Phong: đánh sập Tháp mười tầng (Viễn vọng đài) của chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày 4-1-1960.

Ngoài chính vị và quân sự, Gò Tháp còn là di chỉ khảo cổ học về văn hóa Óc Eo hàng ngàn năm trước, đồng thời là địa chỉ văn hóa du lịch tâm linh, sinh thái thu hút đông đảo du khách bốn phương đến chiêm bái Miếu Bà Chúa Xứ, Miếu Hoàng Cô, Chùa Tháp Linh, Đền thờ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều. Di tích Gò Tháp đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạnh Di tích Quốc gia năm 1998 và Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt từ năm 2012.

Gò Tháp gồm nhiều gò nhỏ cùng nằm trên một vùng đất pha cát thuộc khu vực Đồng Tháp Mười. Gò Tháp tiêu biểu cho sắc thái cảnh quan miền Tây Nam Bộ với không gian bao gồm hệ thống kênh rạch chằng chịt cùng hệ sinh thái rừng phát triển mạnh, lưu giữ nhiều trầm tích văn hóa. 

Từ năm 2005 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã cho khoanh vùng bảo vệ, lập phương án quy hoạch tổng thể với tổng diện tích khoảng 300ha, về sau mở rộng diện tích 320ha, gồm nhiều khu vực. Khu trung tâm Gò Tháp là nơi bảo tồn văn hóa Óc Eo đã được khai quật. Khu văn hóa lễ hội và dịch vụ du lịch có tháp sen và các công trình văn hóa khác. Khu du lịch sinh thái kéo dài từ phía Bắc và Tây Nam, tái tạo bảo tồn hệ sinh thái động vật vùng ngập nước, xây dựng nơi nghỉ dưỡng cùng các trò chơi dân gian. Khu du lịch văn hóa lịch sử tái hiện hình ảnh xưa và nay của Gò Tháp. Hằng năm có 2 kỳ lễ hội truyền thống dân gian vào rằm tháng 3 âm lịch là vía Bà Chúa Xứ và rằm tháng 11 âm lịch là tưởng niệm 2 vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều cùng nghĩa quân.

*

*         *

Gò Tháp Mười là gò lớn và cao nhất ở khu vực Gò Tháp, nơi khởi đầu cho việc thăm dò, khai quật di chỉ văn hóa Óc Eo. Tại Gò Tháp Mười, từ thời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, trên đỉnh gò có ngôi Tháp Cổ Tự do lưu dân khẩn hoang xây dựng thờ Phật để cầu nguyện cuộc sống bình yên, mùa màng tươi tốt. Tuy nhiên đến năm 1956, sau khi nắm chính quyền ở miền Nam, ông Ngô Đình Diệm đã cho dời chùa đi nơi khác để xây Viễn vọng đài, còn gọi Tháp mười tầng cao 36m sừng sững giữa đồng bằng bao la, nhằm quan sát khống chế mọi hoạt động của căn cứ địa Đồng Tháp Mười, gây nhiều tổn thất cho các lực lượng cách mạng.

Cây trôm di sản.

Đứng trước tình hình ấy, quân giải phóng tìm mọi cách phá hủy Viễn vọng đài. Vào đêm 4-1-1960, giữa vòng vây bảo vệ chặt chẽ của địch, tổ đặc công Tiểu đoàn 502 anh hùng đã nghiên cứu kỹ địa hình và bí mật đột nhập, dùng thuốc nổ đánh sập tháp 10 tầng Viễn vọng đài. Nhờ đó, chiến khu Đồng Tháp Mười mới trở lại nằm trong quyền kiểm soát của cách mạng. Đến nay, những khối bê tông cốt thép còn lại trên Gò Tháp Mười chính là dấu tích của Viễn vọng đài một thời.

Ngoài dấu tích lịch sử Tháp mười tầng và di chỉ khảo cổ văn hóa Óc Eo thì Gò Tháp Mười còn có nhiều cổ thụ hàng trăm tuổi, trong đó có cây trôm được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vinh danh là Cây Di sản Việt Nam năm 2016.

Cây cao khoảng 25m, chu vi thân đo ở độ cao 1,3m so với mặt đất là 6,5m. Đây là cổ thụ tồn tại cùng bao câu chuyện hào hùng ở Gò Tháp. Nơi đây đã diễn ra cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều những năm đầu chống Pháp xâm lược. Một cuộc khởi nghĩa kháng lệnh triều đình nhà Nguyễn quyết giữ từng tấc đất của cha ông trước kẻ thù mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Rồi  khi quân Pháp tái xâm lược, vị tướng Trần Văn Trà cùng Nguyễn Văn Vịnh nhận lệnh về đây xây dựng căn cứ địa cho Khu 8 và sau đó trở thành “Thủ đô kháng chiến” cho cả Nam Bộ giai đoạn năm 1946-1949 với các cơ quan Xứ ủy, Ủy ban Hành chính Kháng chiến, Khu ủy Khu 8. Đến những năm 1956-1959, tại đây chính quyền Ngô Đình Diệm xây dựng Viễn vọng đài, đã bị Tiểu đoàn 502 quân giải phóng đánh sập. Suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhiều sự kiện, trận đánh ác liệt ở chiến khu, nhưng mặc mưa bom bão đạn, cây cổ thụ vẫn tồn tại, vươn mình giữa trời xanh.

TẤN HÙNG

Chia sẻ bài viết