15/05/2025 - 13:36

Nhiều cách thức lấy ý kiến người dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013 

Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã công bố dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp để lấy ý kiến nhân dân. Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết này trước ngày 30-6. Việc sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng gắn với vận mệnh đất nước, quyền lợi chính đáng của nhân dân. Vì vậy, việc lấy và tiếp thu ý kiến của nhân dân khi sửa Hiến pháp hết sức quan trọng, cần thiết.

Người dân tìm hiểu, góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013.

Dự thảo Nghị quyết dự kiến sửa đổi 8 điều: Điều 9, 10 (thuộc Chương 1 về chế độ chính trị); Điều 84 (thuộc Chương 5 về Quốc hội); các Điều 110, 111, 112, 114, 115 (thuộc Chương 9 về chính quyền địa phương). Đối tượng lấy ý kiến bao gồm các tầng lớp nhân dân; các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương; MTTQVN và các tổ chức thành viên; các chuyên gia, nhà khoa học. Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 6-5 và hoàn thành vào ngày 5-6-2025.

Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Nghị quyết, bao gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày. Hiện nay, chính quyền và ngành chức năng triển khai rộng khắp việc lấy ý kiến đóng góp, với các hình thức đa dạng, thích hợp, linh hoạt, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, lần lấy ý kiến này có sự tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý.

Theo đó, Bộ Công an đã thiết lập và quản lý hệ thống tiện ích để lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VNeID. Ông Lê Thiện Hải ở phường Thới Long, quận Ô Môn, nói: “Nhiều năm nay, tôi đã cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID mức độ 2. Việc lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp thông qua ứng dụng này rất thuận tiện cho người dân. Qua nghiên cứu Dự thảo, tôi thống nhất cao với các quy định: các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định…”.

Người dân cũng có thể góp ý kiến trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Bên cạnh đó là các hình thức lấy ý kiến “truyền thống”, như gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của nhân dân. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến đối tượng thuộc phạm vi quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học. Ông Nguyễn Văn Tèo ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, nói: “Theo tôi, sửa đổi Hiến pháp không chỉ đáp ứng việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, sáp nhập tỉnh hợp lý để phát huy thế mạnh từng vùng, mà còn mang yếu tố hội nhập mạnh mẽ”.

Việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi, bổ sung Hiếp pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Bài, ảnh: Hiển Dương

Chia sẻ bài viết