15/05/2025 - 11:31

PCI 2024
Đánh dấu cột mốc 20 năm nâng chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh 

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024. Báo cáo PCI năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình gần 20 năm triển khai PCI - một sáng kiến nhằm phản ánh tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường đầu tư tại Việt Nam. Qua hai thập kỷ, PCI đã trở thành công cụ tin cậy để thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương, từ đó góp phần nuôi dưỡng và phát triển khu vực kinh tế tư nhân - trụ cột của nền kinh tế năng động và bền vững.

Qua hai thập kỷ, PCI trở thành công cụ tin cậy để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây (Westfood).

Báo cáo PCI 2024 được công bố trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với khát vọng tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 và đạt hai con số trong các năm tiếp theo. Mục tiêu này đòi hỏi quyết tâm cao độ trong việc cải thiện nền tảng thể chế, nâng cao chất lượng điều hành và tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, hiệu quả và minh bạch. Trong bối cảnh đó, PCI tiếp tục đóng vai trò là tấm gương phản chiếu thực tế điều hành tại các tỉnh, thành phố, giúp các địa phương xác định điểm mạnh, điểm yếu và từ đó có hướng cải thiện phù hợp.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, đánh giá: PCI 2024 cho thấy bức tranh tích cực về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh. Đây không chỉ là công cụ đánh giá mà còn là động lực thúc đẩy các địa phương cạnh tranh lành mạnh, học hỏi lẫn nhau trong tiến trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Khảo sát năm nay được thực hiện với phản hồi của gần 11.000 doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp tiếp tục thể hiện niềm tin vào chính quyền địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực như minh bạch thông tin, chất lượng lao động và cải cách thủ tục hành chính trực tuyến. Đặc biệt, PCI 2024 mở rộng đánh giá liên quan đến quản lý môi trường và thúc đẩy đầu tư xanh, góp phần khuyến nghị các địa phương hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Theo kết quả công bố, các chỉ số thành phần của PCI 2024 ghi nhận sự cải thiện rõ rệt với chỉ số gia nhập thị trường tăng từ 7,31 điểm năm 2023 lên 7,72 điểm năm 2024, nhờ việc rút ngắn thời gian cấp phép kinh doanh và số hóa quy trình đăng ký. Tính minh bạch đạt 6,51 điểm, tăng 0,41 điểm so với năm 2023. Chỉ số chi phí không chính thức giảm từ 7,08 điểm năm 2023 xuống còn 6,77 điểm năm 2024. Chất lượng đào tạo lao động cũng cải thiện, với 68% doanh nghiệp hài lòng với kỹ năng lao động địa phương, tăng từ 63% năm 2023.

Điểm số trung vị  PCI 2024 đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước và là năm thứ tám liên tiếp vượt mốc 60 điểm. Đặc biệt, chỉ số PCI gốc (chỉ số phản ánh chất lượng điều hành kinh tế cốt lõi) đạt 68,18 điểm, tiếp tục cải thiện liên tục kể từ năm 2016. Đây là kết quả của sự bền bỉ, kiên trì cải cách của nhiều địa phương và sự giám sát tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.

TP Hải Phòng vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm 2024, với 74,84 điểm. Kế đến là Quảng Ninh từ vị trí số 1 năm 2023 rớt xuống 1 bậc giữ vị trí thứ 2 năm 2024 với 73,2 điểm. Ngoài ra, top 5 trong báo cáo PCI năm 2024 còn có các địa phương: Long An 72,64 điểm, Bắc Giang 71,24 điểm và Bà Rịa - Vũng Tàu 71,17 điểm. Top 30 PCI 2024 ghi nhận sự có mặt của các địa phương Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, Phú Thọ, Đồng Tháp, Hưng Yên, Cần Thơ, Bến Tre, Ninh Thuận... Riêng TP Cần Thơ, từ hạng 14 trong năm 2023, Cần Thơ đã vươn lên 3 bậc, xếp vị trí thứ 11 trong PCI năm 2024, với 70,01 điểm. Trong đó, điểm các chỉ số thành phần như sau: gia nhập thị trường 6,9 điểm, tăng 0,24 điểm so với năm 2023; tính minh bạch 7,05 điểm, tăng 0,28 điểm; chi phí thời gian 7,23 điểm, giảm 1,28 điểm; chi phí không chính thức 7,2 điểm, giảm 0,12 điểm; cạnh tranh bình đẳng 6,54 điểm, tăng 0,04 điểm; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 7,67 điểm, tăng 1,39 điểm…

Bên cạnh những "điểm sáng", báo cáo cũng cho thấy những tồn tại cần được quan tâm như tiếp cận đất đai vẫn là trở ngại lớn, chi phí tuân thủ pháp luật còn cao và tính năng động của chính quyền địa phương tại một số nơi có dấu hiệu suy giảm. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc Dự án PCI, cho biết: Chất lượng xử lý thủ tục hành chính có dấu hiệu chững lại khi gần 24% doanh nghiệp cho biết, phải dành hơn 10% thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định của pháp luật, tăng 4% so với mức 20% của giai đoạn năm 2022-2023. Có 22% doanh nghiệp phản ánh sự trùng lặp nội dung kiểm tra, tăng 8,5% so với năm trước. Tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường vẫn là những khó khăn lớn suốt nhiều năm nay của các doanh nghiệp...

Theo một số chuyên gia kinh tế, thách thức lớn nhất trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh chính là thay đổi tư duy, cách tiếp cận của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức địa phương. Thực tế trong PCI 2024, tính năng động tiên phong của bộ máy chính quyền tại một số địa phương có dấu hiệu giảm sút khi điểm số trung bình của chỉ số thành phần này đạt 6,29 điểm, thấp hơn đáng kể so với mức 6,68 điểm năm 2023... Do đó, để tạo ra được động lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế, vấn đề cốt lõi chính là tư duy, quyết tâm, tinh thần năng động, cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo chính quyền các địa phương.

Theo ông Phạm Tấn Công, PCI không chỉ đơn thuần là một bảng xếp hạng. Đó là một cuộc đối thoại thường niên giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền địa phương, là nơi doanh nghiệp được nói lên tiếng nói thẳng thắn từ thực tiễn, là nơi chính quyền lắng nghe và hành động. PCI 2024 sẽ là báo cáo PCI cuối cùng thực hiện đánh giá đầy đủ 63 tỉnh, thành phố trước khi quá trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 60-NQ/TW của Trung ương Đảng được triển khai từ năm 2025. Quá trình tinh gọn bộ máy và tái cấu trúc hệ thống chính quyền địa phương đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc duy trì và nâng cao chất lượng điều hành ở quy mô rộng hơn, phức tạp hơn. Trong bối cảnh đó, PCI không chỉ là công cụ đánh giá, mà còn là nguồn dữ liệu tham chiếu quan trọng để đảm bảo quá trình sáp nhập diễn ra suôn sẻ, hiệu quả và hướng tới mục tiêu phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng miền.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết