12/04/2011 - 08:22

Gaza bùng phát ung thư sau chiến tranh

Số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ở Dải Gaza gần đây đã tăng lên chóng mặt. Theo các chuyên gia y tế, những người này đã bị phơi nhiễm chất phóng xạ có trong các loại vũ khí mà Israel sử dụng trong trận không kích ác liệt 2 năm trước. Đã vậy, họ còn chịu cảnh thiếu thuốc men điều trị do lệnh phong tỏa đặt ra từ phía Israel.

Một bệnh viện ở Gaza quá tải người Palestine đến điều trị ung thư do vũ khí của Israel gây ra. Ảnh: Maan News 

Kênh truyền hình Press TV của Iran dẫn số liệu thống kê từ bệnh viện đa khoa Shifa – bệnh viện lớn nhất Gaza – cho biết số ca ung thư ở khu vực này đã tăng thêm 30% trong năm nay. Theo bác sĩ Mohammed Atteya thuộc khoa Ung bướu, dạng ung thư phổ biến nhất là ung thư máu, tuy nhiên bệnh viện cũng ghi nhận nhiều căn bệnh nguy hiểm khác nữa. Điều đặc biệt là hầu hết các bệnh nhân này đều đến từ các khu vực mà trước đây từng bị quân đội Israel dùng vũ khí hóa học tấn công.

Hai năm trước, Israel mở cuộc oanh kích ồ ạt vào Dải Gaza trong chiến dịch mà họ nói là “để trả đũa các trận pháo kích của phong trào Hồi giáo Hamas”. Nhà nước Do Thái đã dùng đến các loại vũ khí hóa học mà cộng đồng quốc tế cấm để tấn công vùng đất này. Cuộc chiến kéo dài 3 tuần giữa Israel và Hamas kết thúc đã cướp đi sinh mạng của 1.400 dân thường Palestine đang cư ngụ tại Dải Gaza và làm hàng ngàn người khác bị thương. Thời điểm đó, rất nhiều dân thường được phát hiện bị nhiễm hàm lượng uranium nghèo trong cơ thể ở mức cao. Các đợt kiểm tra và đo đạc sau đó cho thấy nhiều khu vực tại Dải Gaza bị nhiễm phóng xạ cao gấp 1.000 lần mức cho phép. Kể từ đó, các trường hợp phát hiện ung thư cứ tăng lên mỗi ngày.

Theo chuyên gia về môi trường Zekra Ajour, quân đội Israel đã sử dụng các loại vũ khí có chứa uranium nghèo và nhiều chất hóa học độc hại để chống người Palestine ở Gaza. Ngoài ra, các loại vũ khí công nghệ cao của Tel Avil cũng chứa nhiều uranium nghèo và các kim loại nặng khác. Dư lượng chất hóa học này có thể lan truyền trong môi trường theo gió, ảnh hưởng đến cư dân các vùng lân cận và thậm chí ngấm vào thức ăn. Hậu quả mà môi trường và người dân Palestine tại Gaza phải gánh chịu khó có thể lường trước được.

Chẳng những thế, Israel còn tăng cường các biện pháp phong tỏa Gaza, đẩy người dân Palestine ở khu vực này vào cảnh thiếu thuốc men và trang thiết bị y tế điều trị các căn bệnh ung thư đang bùng phát. Theo ông Mohamed Zemili - giám đốc Cơ quan Y tế Gaza, các bệnh viện tại khu vực này đang thiếu đến 170 loại thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau nên hầu hết bệnh nhân phải chịu cảnh đau đớn. Bác sĩ Ziad Khazander – trưởng khoa Ung bướu bệnh viện Shifa – cho biết việc điều trị ung thư cho bệnh nhân cực kỳ khó khăn vì bệnh viện thiếu cả thuốc và máy móc để thực hiện phương pháp xạ trị và hóa trị.

Trước tình cảnh này, nhiều bệnh nhân tìm cách ra khỏi Gaza để trị bệnh. Năm 2010, hơn 1.500 bệnh nhân tìm đường tới Ai Cập hoặc Israel để chữa trị, trong đó có gần 200 trẻ em. Tuy nhiên, chi phí điều trị ở những nước này khá đắt đỏ trong khi người dân Palestine ở Gaza hầu hết lại thất nghiệp nên đa số không kham nổi. Kết quả là, mỗi tháng có khoảng 100 bệnh nhân đành trốn viện “mang bệnh” về nhà.

Mới đây, ông Saeb Erekat - thành viên ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Dân tộc Palestine (PLO) - đã lên tiếng đòi Israel phải ngưng ngay các cuộc tấn công vào Dải Gaza. Ông cho rằng nhiều năm qua, người dân Palestine đã hứng chịu nhiều cuộc tấn công vô cớ và tàn nhẫn từ phía Tel Avil. Không những vậy, họ còn phải lãnh chịu hậu quả từ sự cô lập bất hợp pháp và phi nhân tính mà nhà nước Do Thái đặt ra. Ông Erekat lên án ách chiếm đóng của Israel trên vùng đất của người Palestine ở Gaza, cho rằng người dân nơi đây đã bị từ chối những quyền cơ bản của con người như có được cuộc sống an toàn và được tôn trọng nhân phẩm.

Ông Erekat kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhằm buộc Israel phải mau chóng chấm dứt lệnh phong tỏa và các đợt tấn công mới vào Dải Gaza.

TRIẾT VĂN
(Theo Press TV, Middle East Online, Maan News)

Chia sẻ bài viết