26/09/2021 - 06:29

Gay cấn cuộc đua “tam mã”

Ngày 26-9, hơn 60,4 triệu cử tri Đức sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 20. Bất kỳ ai kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel sau 16 năm cầm quyền của nữ chính khách xuất chúng này cũng sẽ phải tiếp tục những trọng trách nặng nề để chèo lái con thuyền nước Đức vượt qua giai đoạn sóng gió trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19. Dù đã xuất hiện những gương mặt sáng giá, song cho đến thời điểm này, khoảng cách giữa các ứng cử viên hàng đầu chưa đủ lớn để có thể dự đoán chắc chắn đại diện của đảng nào sẽ giành được vị trí quyền lực.

Sau 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình của các ứng cử viên thủ tướng Đức, khoảng cách giữa đại diện 3 đảng đứng đầu trong chiến dịch tranh cử gồm ông Armin Laschet của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), ông Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và bà Annalena Baerbock của đảng Xanh, đang dần được thu hẹp. Tuy nhiên, theo kết quả một số cuộc thăm dò dư luận, sau 3 cuộc đối đầu, ứng viên của SPD Scholz vẫn là người có sự thể hiện vững vàng, ấn tượng nhất và liên tục duy trì vị trí dẫn đầu. Với tỷ lệ ủng hộ 24-25%, ông Scholz được cho là gương mặt sáng giá kế nhiệm bà Merkel. Với khẩu hiệu “Sứ mệnh tương lai cho đất nước chúng ta”, trọng tâm chiến dịch tranh cử của SPD được đánh giá là đặt ra những mục tiêu cụ thể trong hàng loạt lĩnh vực, từ chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế, tăng cường đầu tư công, tăng thu nhập tối thiểu đến tập trung đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn nước Đức...

Mặc dù tỷ lệ ủng hộ CDU/CSU đã tăng lên so với các cuộc thăm dò sau 2 cuộc tranh luận đầu tiên, song liên đảng Bảo thủ của Thủ tướng Merkel chỉ đứng ở vị trí thứ hai. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong các cuộc thăm dò đối với liên minh 2 đảng này trong suốt hơn 50 năm cầm quyền kể từ năm 1949. Dù thời gian qua, CDU/CSU đã có rất nhiều nỗ lực nhằm cải thiện vị trí, song ông Laschet cũng buộc phải thừa nhận đây là chiến dịch tranh cử khó khăn nhất của CDU/CSU kể từ năm 1998.

Hiện CDU/CSU đang nỗ lực thu hút sự chú ý của cử tri thông qua chương trình “Cùng nhau vì một nước Đức hiện đại”. Liên minh 2 đảng bảo thủ muốn tạo lập một thập niên hiện đại hóa và đưa Đức trở thành nước công nghiệp trung hòa về khí thải, nơi mà những vấn đề về bảo vệ môi trường, người lao động và việc làm trong tương lai đều được bảo đảm. Nếu tiếp tục giành thắng lợi, vấn đề người nhập cư cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Ngoài những nội dung trên, CDU/CSU cam kết không tăng thuế, tăng giới hạn mức lương cho công việc làm thêm từ 450 euro lên 550-600 euro...

Đảng Xanh đứng ở vị trí thứ ba trong hầu hết các cuộc thăm dò, với 17-18% số phiếu ủng hộ. Với cương lĩnh tranh cử có tên gọi “Nhiệm vụ thế kỷ”, đảng Xanh đặc biệt ưu tiên các vấn đề liên quan tới môi trường và chống biến đổi khí hậu. Theo ứng cử viên Baerbock, nếu được đề nghị tham gia liên minh cầm quyền nhiệm kỳ mới, đảng Xanh sẽ thành lập một “siêu bộ” mới phụ trách vấn đề bảo vệ khí hậu. Nhanh chóng mở rộng chương trình năng lượng gió, mặt trời và loại bỏ than đá vào năm 2030...  cũng sẽ là những cam kết trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền. 

Các đảng nhỏ khác gồm Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Cánh tả lần lượt giành được 11% và 6% tỷ lệ ủng hộ. Các kết quả thăm dò này hầu như được giữ nguyên trong một tuần qua.

Giới phân tích cho rằng với cục diện khó đoán hiện nay, gần 40% cử tri chưa quyết định ủng hộ đảng nào có thể gây bất ngờ ở phút chót. Vì vậy rất khó để có thể dự đoán liên minh cầm quyền nào sẽ được thành lập sau bầu cử. Tỷ lệ ủng hộ của các đảng phái ở Đức chênh nhau không đáng kể, cho thấy khả năng cao sẽ không một đảng nào giành đủ 50% số ghế trong quốc hội để tự thành lập chính phủ sau bầu cử. Trong tình huống này, những đảng nhỏ hơn như FDP và đảng Cánh tả vẫn luôn là “ẩn số” khó lường, trở thành yếu tố quyết định cơ cấu của liên minh cầm quyền cũng như ai sẽ là người lãnh đạo nước Đức.

Tuy nhiên, mọi khả năng thành lập một liên minh cầm quyền ở Đức vẫn đều bỏ ngỏ. Không loại trừ khả năng các cuộc mặc cả có thể kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, giống như cuộc tổng tuyển cử năm 2017 khi các đảng phải cần tới 171 ngày mới có thể thành lập được liên minh cầm quyền.

  PHƯƠNG HOA (TTXVN )

Chia sẻ bài viết