14/01/2009 - 07:54

EU sẽ thoát khỏi tầm kiểm soát khí đốt của Nga?

Ngày 13-1, Nga bắt đầu nối lại việc cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraina. Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp bất thường tại Brussels (Bỉ) bàn về vấn đề nguồn cung ứng khí đốt từ Nga ngày 12-1, các bộ trưởng năng lượng của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) phải có báo cáo trình lên hội nghị thượng đỉnh sắp tới của khối này về kế hoạch giảm nguy cơ bị cắt nguồn cung như vừa qua. Trong số các giải pháp, nhiều bộ trưởng cho rằng điều cần thiết nhất là phải quyết tâm xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Trung Á qua châu Âu mà không cần “quá cảnh” lãnh thổ Nga.

Theo Phó Thủ tướng CH Czech phụ trách các vấn đề châu Âu, ông Alexander Vondra, việc xây dựng đường ống này dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2010 và có thể hoàn thành vào năm 2015. Ông cho hay tiến trình chuẩn bị khởi công dự án sẽ được đẩy nhanh bởi Czech đang giữ ghế chủ tịch luân phiên EU nhiệm kỳ 6 tháng đầu năm nay. Được biết, đường ống khí đốt có tên gọi Nabucco và nhận được sự ủng hộ của Mỹ sẽ đi từ khu vực biển Caspie qua Thổ Nhĩ Kỳ rồi tới Bulgarie, Roumanie, Hungary và Áo. Tổng chi phí dự kiến ban đầu cho đường ống dài 3.300 km này là 8 tỉ USD.

Nhận định về khả năng triển khai dự án vốn gây tranh cãi từ nhiều năm qua này, các chuyên gia về Trung Á cho rằng EU chắc chắn sẽ thực hiện kế hoạch của mình, vì nhận thức được mối bất hòa không dễ hóa giải giữa Nga và Ukraina, nơi trung chuyển 80% lượng khí đốt từ Nga cho thị trường EU. Mặt khác, Uzbekistan và Turkmenistan do muốn giảm bớt sự thống trị của tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga nên có thể sẵn sàng hợp tác và tham gia đường ống khí đốt chiến lược đó.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng hoài nghi về khả năng EU đạt được mục tiêu. Trong năm 2009, Nga mua khí đốt từ các nhà xuất khẩu khí đốt Trung Á với giá khá cao (trung bình khoảng 300 USD/1.000 mét khối). Trong khi đó, các nước Trung Á thiếu cơ sở hạ tầng năng lượng, không có khả năng thăm dò trữ lượng khí đốt, không thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nên khó bán trực tiếp khí đốt ra thị trường thế giới. Chẳng hạn như Azerbaijan dù bắt đầu tự xuất khẩu khí đốt qua vài nước châu Âu từ năm 2006, nhưng vẫn tuyên bố muốn bán khí đốt cho Gazprom nếu được trả giá hợp lý. Do vậy, Nga và các nhà sản xuất khí đốt Trung Á là hai đối tác khó có thể tách rời nhau.

Theo các nhà phân tích, Gazprom sẽ nỗ lực thể hiện vai trò “bao tiêu sản phẩm” với cái giá thích hợp để giữ vững sự tín nhiệm của các bạn hàng Trung Á truyền thống. Do đó, trong vòng 15 năm tới, Nga vẫn là nơi tập trung nguồn khí đốt của Trung Á trước khi chuyển tới thị trường EU.

KIẾN HÒA
(Theo RIA Novosti, Europeanvoice, CR)

Ngày 13-1, Nga bắt đầu nối lại việc cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraina. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết