09/05/2012 - 21:02

EU rối ren trước làn sóng chống chính sách "thắt lưng buộc bụng"

Tân Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) và lãnh đạo cánh tả của Hy Lạp Alexis Tsipras dẫn đầu làn sóng chống “thắt lưng buộc bụng”. Ảnh: AFP/AP 

Ngày 9-5, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy thông báo triệu tập một hội nghị khẩn cấp vào ngày 23-5 để bàn các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng khi làn sóng phản đối chính sách khắc khổ ngày càng gia tăng, đe dọa làm tan rã Khu vực đồng euro (Eurozone) và làm rạn nứt sâu sắc mối quan hệ đồng minh Pháp-Đức.

Hội nghị được triệu tập trong bối cảnh Tổng thống tân cử của Pháp Francois Hollande đề nghị thay đổi chính sách kinh tế của EU, theo hướng chuyển dịch từ “thắt lưng buộc bụng” sang thúc đẩy tăng trưởng. Yêu cầu này khiến ông đối đầu với Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đang cố gắng bảo vệ các quy định của Eurozone về thắt chặt chi tiêu, nhưng đồng thời cũng đối mặt với áp lực từ các nước muốn nới lỏng các biện pháp khắc khổ.

Chương trình nghị sự của hội nghị được cho sẽ tập trung vào những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cho liên minh 27 nước thành viên, đặc biệt là 17 nước thuộc Eurozone, đồng thời duy trì nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách và nợ công. Ông Herman Van Rompuy cho biết tại đây, tân Tổng thống Pháp sẽ đưa ra các đề xuất giải quyết cuộc khủng hoảng ở châu Âu. Hội nghị dự kiến kéo dài 2 tuần tại Brussels (Bỉ) cũng sẽ tạo tiền đề cho hội nghị khác tổ chức vào ngày 28 và 29-6, khi ấy các nhà lãnh đạo EU sẽ đưa ra quyết định chính thức về chiến lược tăng trưởng và củng cố ngân sách của họ.

Giới quan chức và ngoại giao cho rằng Berlin và Paris đang soạn thảo một thỏa thuận nhằm thúc giục EU đầu tư cho các chính sách kích thích tăng trưởng; đổi lại, Tổng thống Pháp Hollande sẽ không buộc đàm phán lại hiệp ước tài chính đã được liên minh này thông qua hồi năm ngoái. Được biết, Ủy ban châu Âu (EC) ủng hộ yêu cầu của ông Hollande về việc tăng mức chi tiêu của EU. Họ cho rằng khoản tiền 82 tỉ euro trong nguồn quỹ cấu trúc chưa dùng đến từ ngân sách trung hạn của EU có thể được dùng để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm. Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso ngày 8-5 còn kêu gọi các lãnh đạo châu Âu chấp nhận tăng chi tiêu 11% giai đoạn 2014-2020 như một phần của “ngân sách tăng trưởng”. Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy, một thành viên của đảng Xã hội Pháp, cũng tán thành biện pháp này và cho rằng “sự sống còn của Eurozone phụ thuộc vào một chính quyền kinh tế và một ngân sách tăng trưởng châu Âu”. Tuy nhiên, giải pháp này lại vấp phải sự phản đối của Thủ tướng Anh David Cameron vì theo ông, nó sẽ khiến Anh đóng góp thêm 11 tỉ bảng.

Trước đó, áp lực đòi tăng cường chính sách thúc đẩy tăng trưởng ngày càng gia tăng sau khi kết quả bầu cử địa phương ở Ý hôm 7-5 cho thấy thắng lợi thuộc về các đảng chủ trương chống “thắt lưng buộc bụng”, bao gồm 20% phiếu bầu giành cho nghệ sĩ hài nổi tiếng Beppe Grillo, người luôn muốn Ý từ bỏ Eurozone. Tại Hy Lạp, cuộc bầu cử hôm 6-5 cũng cho thấy cử tri nước này mạnh mẽ bác bỏ các biện pháp khắc khổ vốn là một điều kiện để có thể nhận được các gói cứu trợ tài chính trong tương lai. Thậm chí, lãnh đạo cánh tả của Hy Lạp Alexis Tsipras, người được giao trọng trách đứng ra thành lập chính phủ, còn đòi phá bỏ các điều khoản đã được Athens nhất trí để đổi lấy gói cứu trợ 130 tỉ euro, đe dọa quốc hữu hóa các ngân hàng Hy Lạp và cảnh báo nước này sẽ quay lưng với thỏa thuận cứu trợ tài chính đã ký với Eurozone.

Trước tình hình trên, nhiều khả năng các nhà lãnh đạo EU phải tính tới việc nới lỏng các chính sách “thắt lưng buộc bụng”, vốn được coi là biện pháp chính để đương đầu với cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài 30 tháng qua tại khu vực này.

THANH TRÚC (Theo Telegraph, Guardian, Reuters)

Chia sẻ bài viết