25/06/2021 - 19:54

EU chưa muốn xuống thang với Nga 

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 25-6 đã bác đề xuất của Ðức và Pháp về việc tiến hành hội nghị thượng đỉnh với Nga để “cài đặt” lại quan hệ. Ðộng thái này cho thấy Brussels vẫn chưa muốn giảm căng thẳng với Mát-xcơ-va.

Bà Merkel (phải) đã không thành công trong việc thuyết phục EU cải thiện quan hệ với Nga. Ảnh: AP

Trước đó, Thủ tướng Ðức Angela Merkel đã lên tiếng kêu gọi EU mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối này diễn ra vào ngày 24 và 25-6 tại Brussels (Bỉ). Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng ủng hộ ý tưởng của Berlin. Ðề xuất được đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Putin ở Geneva (Thụy Sĩ) trong tuần trước. Bà Merkel lưu ý rằng châu Âu cần thay đổi hướng đi trong hợp tác với Nga để từng bước cải thiện quan hệ.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ðức cho biết đề xuất trên đã bị loại khỏi tuyên bố cuối cùng sau cuộc họp của 27 nhà lãnh đạo EU. Ngay từ đầu, giới ngoại giao tiết lộ rằng nhiều quốc gia thành viên EU, đặc biệt là một số nước ở Ðông Âu, đã tuyên bố phủ quyết kế hoạch của Ðức - Pháp. Ðại diện các nước này cho rằng vẫn còn “quá sớm” để nói về một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga và chỉ nên tổ chức hội nghị thượng đỉnh “khi có vấn đề tích cực để thảo luận”.

Sau cuộc họp, những kết luận cuối cùng về Nga cũng đã loại bỏ vấn đề hợp tác với Mát-xcơ-va trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức. Thay vì tổ chức hội nghị thượng đỉnh, EU chỉ đồng ý phát triển “những định dạng và điều kiện cho cuộc đối thoại với Nga”.

Mối quan hệ EU - Nga xấu đi kể từ khi Mát-xcơ-va sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014. Kể từ đó, hai bên không tiến hành hội nghị thượng đỉnh. EU đã đưa ra nhiều lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan vấn đề Bán đảo Crimea, trong khi Ðiện Kremlin cũng có các biện pháp đáp trả.

Nga, Anh hục hặc xung quanh vụ tàu khu trục

Ngày 24-6, Nga đã triệu Ðại sứ Anh tại Mát-xcơ-va, bà Deborah Bronnert, để phản đối Luân Ðôn sau sự cố liên quan đến tàu khu trục HMS Defender tại Biển Ðen.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết khu trục hạm HMS Defender của Anh đã tiến sâu vào vùng biển của Nga 3km ở khu vực mũi Fiolent thuộc Bán đảo Crimea. Tàu tuần tra Nga đã bắn cảnh cáo trong khi máy bay Su-24M thả bom xuống hướng di chuyển của chiếc HMS Defender để cảnh cáo và tàu khu trục Anh đã rời đi.

Người phát ngôn Ðiện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng sự cố trên là “hành động khiêu khích” đáng lo ngại và không phù hợp với luật pháp quốc tế. Nga thậm chí dọa sẽ ném bom các tàu chiến Anh nếu còn tiếp tục hành động khiêu khích ở ngoài khơi Bán đảo Crimea.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh đã bác bỏ thông tin mà Nga đưa ra, khẳng định không có phát súng cảnh cáo nào nhằm vào tàu HMS Defender, đồng thời nhấn mạnh tàu này đơn thuần chỉ thực hiện chuyến hải trình như thường lệ từ cảng Odessa (Ukraine) đến Gruzia qua Biển Ðen và đó là tuyến đường được luật pháp quốc tế cho phép. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng cáo buộc các phi công Nga tiếp cận không an toàn khi điều khiển máy bay chỉ cách tàu chiến 152m.

Vụ việc trên xảy ra vào trưa 23-6 tại vùng biển gần mũi Fiolent ở Crimea. Nga xem nơi này là vùng biển của mình sau khi sáp nhập Bán đảo Crimea. Trong khi đó, các nước phương Tây coi Crimea là một phần của Ukraine và bác bỏ tuyên bố của Nga.

Nga lần đầu thử nghiệm vũ khí trên máy bay không người lái Altius

Hãng tin Sputnik dẫn nguồn tin trong lĩnh vực công nghiệp - quân sự Nga ngày 25-6 cho biết máy bay không người lái (UAV) tấn công hạng nặng mới của nước này mang tên Altius đã lần đầu tiên thử nghiệm sử dụng vũ khí.

Nguồn tin trên nêu rõ: “Máy bay không người lái Altius trong quá trình bay thử nghiệm tại một trong những thao trường quân sự đã ném bom tấn công các mục tiêu dưới mặt đất. Trong chương trình thử nghiệm dự kiến diễn ra vào mùa Hè, máy bay Altius sẽ thực hiện nhiệm vụ tấn công điển hình tiêu diệt các mục tiêu như xe tăng, xe bọc thép hạng nhẹ, các cứ điểm quân địch giả định và căn cứ pháo binh.

HẠNH NGUYÊN (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết