|
Tàu sân bay USS Harry S. Truman của Mỹ tại khu vực gần Eo biển Hormuz. |
Các quan chức quân sự Mỹ thuộc Hạm đội 5 đóng tại Bahrain ngày 30-6 tuyên bố sẽ không cho phép Iran phong tỏa Eo biển Hormuz vì đây là tuyến đường thủy huyết mạch của quốc tế. Phản ứng này nhằm đáp lại việc người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ngày 28-6 cảnh báo Eo biển Hormuz sẽ bị đóng cửa nếu Iran bị Israel tấn công.
Theo phát biểu trên thì Lầu Năm Góc sẽ tăng cường kiểm soát Eo biển Hormuz trong trường hợp xảy ra đối đầu quân sự giữa Israel và Iran. Tuy nhiên, để kiểm soát được Eo biển Hormuz là một nhiệm vụ không dễ dàng, vì chắc hẳn Tehran luôn trong tư thế sẵn sàng để bảo vệ quyền lợi của mình trên vùng biển giáp lãnh hải quốc gia này. Được biết, ngoài hệ thống tên lửa bắn hạ các mục tiêu trên biển, Iran còn có kế hoạch sử dụng ngư lôi đủ khả năng hủy diệt các tàu sân bay hiện đại của Mỹ.
Eo biển Hormuz cùng với Eo biển Malacca là hai tuyến đường vận tải biển có tầm quan trọng chiến lược bậc nhất thế giới. Nằm giữa Iran và Oman, Eo biển Hormuz nối Vịnh Persic với Vịnh Oman và Biển A-rập. Đây là tuyến hàng hải duy nhất để vận chuyển dầu xuất khẩu của Koweit, Iraq, Iran, Arabie Séoudite, Bahrain và Qatar. Phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất cũng phụ thuộc vào eo biển này. Một thống kê cho biết có tới 90% dầu thô xuất khẩu của vùng Vịnh phải đi qua Eo biển Hormuz và phần lớn trong số này được cung cấp cho thị trường Nhật Bản, Tây Âu và Mỹ. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, năm 2006, mỗi ngày có tổng cộng 16,5-17 triệu thùng dầu được vận chuyển ngang qua Eo biển Hormuz, tức chiếm khoảng 2/5 tổng lượng dầu được vận chuyển bằng đường biển trên thế giới. Ngoài dầu thô, Qatar còn xuất khẩu sang châu Á và châu Âu mỗi năm 31 triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng qua Eo biển Hormuz.
Eo biển Hormuz có chiều dài 280 km và điểm hẹp nhất chỉ vào khoảng 34 km. Trong đó, phần dành cho vận chuyển hàng hải quốc tế chỉ rộng 10 km, bao gồm 2 làn đường ngược xuôi (mỗi làn rộng 3,2 km) cho tàu chở dầu và một vùng đệm an toàn. Trong khi đó, phần lớn dầu thô đi qua Eo biển Hormuz có hành trình dài nên thường được vận chuyển bằng loại tàu khổng lồ có khả năng chở trên 2 triệu thùng/chuyến. Vì thế, nếu xảy ra sự cố an ninh sẽ gây ra thảm họa khủng khiếp.
Thật ra, nếu Eo biển Hormuz bị phong tỏa hoàn toàn thì những tuyến đường vận chuyển dầu khác có thể thay thế. Chẳng hạn, đường ống Đông Tây dài 745 dặm băng qua Arabie Séoudite có khả năng vận chuyển 5 triệu thùng dầu/ngày, hay các đường ống từ Iraq sang Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Arabie Séoudite. Tuy nhiên, chi phí trung chuyển qua các đường ống này sẽ rất tốn kém. Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng chóng mặt như hiện nay, nếu Eo biển Hormuz không yên bình và Iran ngưng xuất khẩu dầu (điều này chắc chắn xảy ra nếu họ bị tấn công) thì hậu quả thật khó lường.
V.P (Theo Bloomberg, EIA, Reuters, Wikipedia)