19/10/2015 - 20:09

Đừng chà xát kiến ba khoang trên da

Nhiều người vô tình bị kiến ba khoang đốt, đã chà xát kiến ba khoang trên da, làm vấy bẩn độc tố, khiến da phồng rộp, bọng nước, lan rộng; nếu độc tố của kiến ba khoang dính vào mắt, có thể gây mù tạm thời. Gần đây, một số nơi ở Cần Thơ xuất hiện kiến ba khoang; người dân cần lưu ý để phòng tránh và xử lý đúng cách khi bị kiến cắn.

Dì Phan Ngọc Trao (ở quận Bình Thủy) thân nhân người bệnh ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết, kiến ba khoang xuất hiện ở lầu 2 BV. Có người bị kiến cắn, giết kiến, ngay chỗ kiến cắn vết thương bị phồng rộp, lây lan. Trường hợp anh Triều (quận Ninh Kiều) bị kiến ba khoang cắn nhưng không biết, cứ ngỡ mắc bệnh "giời leo". Khi đến bác sĩ da liễu thăm khám mới hay vết thương do kiến ba khoang cắn.

Theo thông tin từ BV Đa khoa TP Cần Thơ, mấy ngày qua, tại các khoa, phòng BV có xuất hiện kiến ba khoang, ảnh hưởng sức khỏe người bệnh, thân nhân người bệnh và nhân viên y tế. Do đó, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn thực hiện giám sát vệ sinh khoa phòng và kết hợp với Trung Tâm y tế dự phòng quận Ninh Kiều phun xịt kiến. Đồng thời, BV tuyên truyền cho người bệnh và thân nhân cách phòng chống và tác hại của kiến ba khoang. Hiện tại, tình trạng kiến ba khoang ở BV đã được kiểm soát. Trước thực tế đó, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Đa khoa TP Cần Thơ giới thiệu đặc điểm nhận biết nhận biết, triệu chứng, tác hại, cách xử trí và điều trị khi bị kiến ba khoang cắn như sau:

* Nhận biết kiến ba khoang

Kiến ba khoang có tên khoa học Paederus fuscipes Curtis, thường sống ở ven ruộng, quanh gốc rạ, bãi cỏ, gần vùng nước, ruộng rau, công trình xây dựng. Loài kiến này thường tìm thấy trên các ruộng lúa, môi trường trường học, ký túc xá, khu ở trọ, nhà ở tập thể công nhân ngoại ô thành phố, có cỏ mọc xung quanh.

 Kiến ba khoang. Ảnh: Nguồn Internet

Kiến ba khoang theo côn trùng, ánh đèn bay vào nhà. Những người làm việc dưới ánh đèn bị côn trùng rơi vào cổ, mặt, thân mình, vô tình giơ tay ra đập, quệt, chà xát côn trùng, khiến chất pederin có trong côn trùng rơi vào da. Có khi côn trùng rơi vào bể tắm, bồn tắm hoặc bám vào khăn mặt, quần áo. Người bệnh không chú ý, chà xát phải côn trùng gây thành viêm da bọng nước (có trường hợp người bệnh giết côn trùng và đưa tay quết lên da và tạo thành vết thương).

* Tác hại của kiến ba khoang

Khi kiến ba khoang cắn, lượng độc tố truyền sang người qua vết cắn rất nhỏ, chỉ có thể làm da nổi bọng nước, ngứa rát. Tuy nhiên, khi gãi, vết thương sẽ vỡ ra, gây lở loét, dẫn tới viêm da. Tác hại của kiến ba khoang không gây nguy hiểm đến tính mạng, chủ yếu gây tổn thương trên da nhưng với số lượng lớn vị trí viêm da là vùng đầu mặt, cổ, tay, chân, hông, lưng.

* Triệu chứng:

Sau khi tiếp xúc độc tố từ 12 giờ đến 36 giờ, có thể xuất hiện phồng rộp da, nổi mụn nước. Nếu không chữa trị, tình trạng viêm sẽ tiến triển sang loét. Khi đó, những tổn thương này sẽ có hình dạng là đường thẳng dài, hay hình chữ Y… tùy theo cách ta giết chúng. Viêm da có thể dạng giống như tổn thương của bệnh Zona (giời đái). Vết phồng thường xuất hiện khoảng 1 ngày sau khi bị dính độc tố, nếu được điều trị thì sau một tuần sẽ hết. Nếu điều trị muộn, tổn thương da có thể để lại sẹo đỏ đến nhiều tháng mới hết. Nếu độc tố của chúng dính vào mắt, sẽ gây ra viêm kết mạc và sưng nề phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời.

* Cách điều trị khi tiếp xúc nọc độc kiến ba khoang:

Nếu đã hoặc nghi ngờ tiếp xúc với kiến ba khoang, nên thực hiện một số bước sau: Nếu có kiến ba khoang đang bò trên người, hãy lấy nó ra bằng cách thổi hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên và lấy nó ra khỏi người. Sau đó rửa sạch vùng da tiếp xúc với loài côn trùng này. Nếu bị kiến ba khoang cắn hay lỡ tay đập chết chúng trên da thì cần rửa sạch bằng xà phòng càng nhanh càng tốt nơi bị dính độc tố. Lưu ý, không được chà xát làm vây bẩn độc tố của chúng ra vùng da nhiều nơi, vì độc tố của chúng có thể gây tổn thương da lan tỏa. Khi da bị tổn thương phồng rộp, hay loét, có thể rửa bằng thuốc tím (KMnO4), thuốc xanh Metylen lên vùng da, thuốc kem bôi có chứa corticosteroids như: Korcin; Betnovate; Betnovate-GM; Gentrisone. Kháng sinh có thể cần nếu có bội nhiễm bóng nước trên da. Nếu cảm giác ngứa cần uống thêm thuốc kháng Histamin (thuốc chống dị ứng). Tình trạng viêm da sẽ lành trong 2 - 3 tuần.

* Cách phòng, chống kiến ba khoang:

Nếu kiến ba khoang xuất hiện trong khu vực, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Ban đêm tắt bớt các bóng đèn không cần thiết; tránh đứng dưới bóng đèn sáng trong phòng; hạn chế mở cửa sổ phòng. Cần kiểm tra trước khi sử dụng quần, áo, mùng, mền, đồ dùng cá nhân. Vệ sinh, sắp xếp đồ dùng cá nhân gọn gàng, ngăn nắp. Trước khi ngủ cần quét nhà để làm sạch nền nhà và mắc mùng ngủ, tránh côn trùng có điều kiện tiếp xúc. Vệ sinh môi trường, phát quang bụi cây, cỏ dại,…

Để xử lý triệt để, tránh tình trạng kiến ba khoang lan tràn, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, khi có đàn kiến ba khoang xuất hiện ở khu dân cư, bà con liên hệ Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện để được hướng dẫn và phối hợp xử lý.

Thu Sương (lược ghi)

Chia sẻ bài viết