11/04/2020 - 06:14

Đức phát hiện nhiều người miễn dịch với COVID-19 

Hôm 9-4, các nhà khoa học Đức khẳng định nhiều người ở một thị trấn của nước này có thể đã nhiễm COVID-19 nhưng không hay biết, vì thế coi như họ được miễn dịch.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 di động tại thị trấn Gangelt, Đức. Ảnh: Reuters

Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Hendrik Streeck dẫn đầu tại Đại học Bonn xét nghiệm máu của khoảng 1.000 người tại thị trấn Gangelt thuộc quận Heinsberg để tìm kháng thể chống virus gây bệnh COVID-19 và các dấu hiệu nhiễm bệnh. Kết quả xét nghiệm sơ bộ của 500 người cho thấy khoảng 2% hiện đã nhiễm COVID-19 và gần 15% có kháng thể, cao gấp 3 lần ước tính trước đó. Vài trường hợp trong 15% này được cho không có triệu chứng của bệnh. Việc có kháng thể báo hiệu đã nhiễm bệnh trước đó, do vậy các nhà nghiên cứu tin rằng nhóm người này có thể không còn bị nhiễm SARS-CoV-2 nữa. Từ cuộc khảo sát về máu, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Đức chỉ ở mức 0,37%, so với phỏng đoán hiện nay của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) là 1,98%.

Những con số trên không thể dự báo được phần còn lại của nước Đức bởi Gangelt có tỷ lệ nhiễm COVID-19 khá cao. Tuy nhiên, các tác giả khẳng định chúng là cơ sở để lạc quan một cách thận trọng và tỷ lệ miễn dịch 15% đã đủ để làm chậm đáng kể tốc độ lây lan của virus. Khi đủ số người miễn dịch, có thể là 50-75% trong cộng đồng, thì virus không còn khả năng lan rộng hơn. Khái niệm này được gọi là miễn dịch cộng đồng.

Sắp tới, Đức cũng sẽ tiến hành chương trình xét nghiệm tìm kháng thể COVID-19 trên quy mô lớn đầu tiên tại châu Âu. Lothar Wieler - người đứng đầu Viện Robert Koch - cho biết mục đích của chương trình là xác định số lượng người Đức miễn dịch với virus và số ca nhiễm nhưng không có triệu của bệnh.

Trong khi đó, trang News.com.au ngày 9-4 dẫn nghiên cứu mới công bố của các chuyên gia tại Đại học Gottingen cho rằng phần lớn các ca mắc COVID-19 trên thế giới chưa được phát hiện, trong khi số ca ghi nhận chỉ chiếm vỏn vẹn 6%.

Điều này có nghĩa là “hàng chục triệu người” có thể đang nhiễm SARS-CoV-2 mà ngay cả họ và cơ quan chức năng đều không biết.

Các chuyên gia ước tính số ca nhiễm tại nhiều nước đang rất cao, gồm Mỹ với 10 triệu ca, Tây Ban Nha 5 triệu, Ý 3 triệu và Anh 2 triệu, nhưng con số ghi nhận lại thấp hơn do xét nghiệm chậm và không đầy đủ.

Theo worldometers.info, tính tới chiều 10-4, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là hơn 1,6 triệu với hơn 96 nghìn người tử vong.

Amazon xây dựng cơ sở xét nghiệm SARS-CoV-2 
Ngày 9-4, Công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ Amazon tuyên bố đang trong quá trình xây dựng một cơ sở xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2.
Trong thông báo mới đăng tải, Amazon khẳng định đã bắt đầu xây dựng, mua những thiết bị cần thiết để xây dựng phòng xét nghiệm đầu tiên và hy vọng sẽ sớm bắt đầu xét nghiệm cho một số nhân viên tuyến đầu của công ty. Một đội ngũ nhân viên Amazon với nhiều kỹ năng, từ các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý chương trình tới các chuyên gia mua hàng và kỹ sư phần mềm, đã được huy động tham gia sáng kiến này.
Amazon cho rằng việc tiến hành xét nghiệm thường xuyên trong tất cả các ngành trên quy mô toàn cầu sẽ giúp bảo đảm an toàn cho mọi người và giúp nền kinh tế sớm hoạt động bình thường trở lại, theo đó cho rằng cần có thêm nhiều cơ sở xét nghiệm hơn so với mức hiện tại.

HẠNH NGUYÊN (Theo Telegraph, Technology Review)

Chia sẻ bài viết