Hôm qua, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 18 đã chính thức khai mạc tại thành phố Yokohama lớn thứ hai của Nhật Bản.
Chủ đề lớn của hội nghị lần này là “Thay đổi và Hành động”, dựa vào những thành quả đã đạt được trong quá khứ để đề xuất những thay đổi cần thiết và thực hiện những hành động cụ thể nhằm đảm bảo rằng APEC sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế thế giới trong tương lai.
Theo chương trình nghị sự, tại Hội nghị thượng đỉnh APEC năm nay, các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên sẽ tập trung thảo luận các chiến lược tăng trưởng kinh tế, các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế cân bằng và xây dựng khu vực tự do thương mại rộng lớn hơn.
Có điều Hội nghị thượng đỉnh APEC lần này diễn ra ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nước công nghiệp phát triển và mới nổi (G-20) tổ chức ở Thủ đô Seoul của Hàn Quốc vừa kết thúc trong bế tắc. Dư luận lo ngại “dư âm” của Hội nghị thượng đỉnh G-20, nơi diễn ra các cuộc tranh cãi bất phân thắng bại về sự mất cân bằng thương mại toàn cầu và những căng thẳng về vấn đề tiền tệ, sẽ tiếp tục chi phối các cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh APEC.
Trong tuyên bố chung sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G-20 vừa qua, các nước chỉ cam kết chung chung là tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho các bất đồng kinh tế. Vấn đề mất cân đối trong thương mại toàn cầu không đạt được sự đồng thuận vì Mỹ và Trung Quốc vẫn khăng khăng giữ quan điểm của mình. Tranh cãi về tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết. Tổng thống Mỹ Obama cáo buộc Trung Quốc kìm giá đồng nhân dân tệ. Ngược lại, nhiều nước chỉ trích việc Washington vừa bơm thêm 600 tỉ USD vào nền kinh tế và không ủng hộ các đề xuất của Mỹ nhằm giảm mất cân bằng thương mại. Vấn đề thành lập một bộ nguyên tắc nhằm giải quyết tình trạng bảo hộ công nghiệp cũng chẳng đi đến đâu.
Liệu những tranh cãi chưa ngã ngũ ấy có tiếp tục xảy ra làm chệch mục tiêu của Hội nghị thượng đỉnh APEC? Hãy chờ xem.
THẢO VY (Theo Xinhua, BBC và Reuters)