12/08/2010 - 09:05

Đồng minh xa hay láng giềng gần ?

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Howard Berman mới đây thông báo “đóng băng” gói viện trợ quân sự trị giá 100 triệu USD cho Liban vì quan ngại “quân đội nước này bị tổ chức Hồi giáo vũ trang Hezbollah xâm nhập và có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công Israel”. Theo ông Berman, quyết định trên đã được ủy ban này đề xuất từ ngày 4-8, một ngày sau khi một binh sĩ Israel thiệt mạng trong cuộc đụng độ với binh sĩ Liban tại vùng biên giới hai nước.

Phản ứng trước động thái trên của các nhà lập pháp Mỹ, cố vấn của Thủ tướng Liban Saad Hariri, ông Mohammed Chatah, cho rằng quyết định “đáng tiếc và không có cơ sở” đó sẽ làm tổn hại mối quan hệ giữa Mỹ và Liban. Từ năm 2006 đến nay, tức từ sau cuộc xung đột vũ trang đẫm máu giữa Hezbollah và quân đội Israel tại Liban, Mỹ đã viện trợ cho quân đội Liban hơn 720 triệu USD. Thế nhưng, giới cầm quyền Mỹ cho rằng trong các năm qua, quân đội hùng hậu gồm 60.000 binh sĩ của chính phủ Liban đã bị phân hóa thành những đơn vị nhỏ lẻ và đóng vai trò như là một lực lượng an ninh nội địa. Trong khi đó, Washington nhận định đội quân nhỏ nhoi khoảng 6.000 tay súng của Hezbollah nhờ nguồn ngân sách hơn 100 triệu USD/năm mà họ cho là “do Iran tài trợ” đã tổ chức thành những nhóm vũ trang hoạt động nề nếp và tinh vi, đồng thời phát triển mạng lưới quản lý trường học, chăm sóc y tế, hỗ trợ nhân đạo và có truyền hình vệ tinh, trạm phát sóng vô tuyến riêng.

Ông Berman cho rằng không có gì đảm bảo các lực lượng vũ trang Liban không hợp tác với Hezbollah trong vụ giao tranh giữa binh lính Israel và Liban ngày 3-8, và rằng Washington cần xem xét lại chính sách của mình trong quan hệ với quân đội Liban. Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới hôm 10-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley khẳng định Mỹ không có kế hoạch “đánh giá lại quan hệ hợp tác quân sự hiện nay với Liban”, đồng thời nhấn mạnh rằng mối quan hệ này nhằm phục vụ lợi ích của Mỹ.

Phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra sau khi Iran đánh tiếng muốn hỗ trợ quân đội Liban. Theo các nhà phân tích, phương Tây quan ngại rằng Tehran đang gia tăng ảnh hưởng ở gần đường biên giới phía Bắc Israel. Trong cuộc gặp Tư lệnh quân đội Liban Jean Kahwaji ngày 9-8, Đại sứ Iran tại Liban khẳng định Tehran sẵn sàng “hợp tác với quân đội Liban trong bất cứ lĩnh vực nào có thể giúp lực lượng này thực hiện vai trò quốc gia của mình trong việc bảo vệ đất nước”.

Và không chỉ có Tehran tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ quân đội Liban. Hezbollah cũng kêu gọi chính quyền Hariri nên “quên” gói viện trợ quân sự “có điều kiện” của Mỹ và trông cậy vào hai nước láng giềng gần Iran và Syrie, thậm chí có thể tìm kiếm sự ủng hộ từ hai cường quốc xa hơn là Nga và Trung Quốc.

Theo kế hoạch, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad sẽ thăm Beirut vào những ngày cuối tháng 8. Người ta hy vọng chuyến đi này sẽ mở ra trang sử mới trong quan hệ giữa Iran và Liban, quốc gia cũng đã cải thiện quan hệ với Syrie, đồng minh của Iran. Hồi cuối tháng 7 vừa qua, Beirut đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh tay ba Liban-Syrie-Arabie Séoudite nhằm thảo luận cáo buộc của Hezbollah nói rằng phong trào này có “bằng chứng rõ ràng” cho thấy Israel đứng đằng sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri, thân phụ của Thủ tướng Saad Hariri, năm 2005 nhằm gây chia rẽ thế giới A-rập.

Liệu Beirut sẽ bỏ đồng minh xa để thiết lập quan hệ gắn bó với các nước láng giềng gần? Hãy chờ xem.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết