20/07/2016 - 21:44

Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016

Donald Trump chính thức đại diện đảng Cộng hòa

Sau 13 tháng phát động chiến dịch vận động, vượt qua 16 đối thủ, xung đột với hầu hết các đảng viên kỳ cựu của đảng Cộng hòa và gây hỗn loạn tại đại hội đảng toàn quốc, tỉ phú Donald Trump (ảnh) hôm 19-7 đã chính thức giành được đề cử trở thành ứng viên đại diện đảng Cộng hòa tham gia cuộc đua tranh chiếc ghế tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Đại hội đảng Cộng hòa năm nay diễn ra tại trung tâm hội nghị ở Cleveland, bang Ohio từ ngày 18 đến 21-7. Trong cuộc bỏ phiếu biểu quyết tại đại hội đảng hôm 19-7, hãng tin Reuters cho biết ông Trump đã giành được 1.725 phiếu, vượt xa mốc 1.237 số phiếu đại biểu cần thiết để tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông Trump bỏ xa người thứ hai là ông Ted Cruz khi Thượng nghị sĩ bang Texas chỉ giành được 475 phiếu, Thống đốc bang Ohio John Kasich được 120 phiếu và Thượng nghị sĩ Marco Rubio bang Florida 114 phiếu. Ba ứng cử viên khác giành được tổng cộng 12 phiếu đại biểu. Sau kết quả bỏ phiếu ứng viên tổng thống, đại hội đảng Cộng hòa cũng bỏ phiếu bầu Thống đốc bang Indiana Mike Pence làm người liên danh tranh cử chức Phó Tổng thống theo đề cử của ông Trump.

Ông Trump nhận nụ hôn chúc mừng của phu nhân - bà Melania Trump. Ảnh: Getty Images

Phát biểu lần đầu tiên trước hội nghị khi giành được đề cử, ông Trump tuyên bố rất tự hào khi đại diện đảng Cộng hòa tranh chức tổng thống Mỹ và hứa hẹn dốc toàn lực để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Nếu thắng lợi, ông cam kết đẩy mạnh chính sách tạo việc làm, tăng cường sức mạnh quân đội, bảo vệ biên giới và "khôi phục luật pháp và trật tự" của nước Mỹ. Trước thông tin trên, người được xem là đối thủ từ đảng Dân chủ Hillary Clinton đã đăng tải thông điệp trên Twitter, rằng: "Donald Trump vừa trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Giờ là lúc dồn sức cạnh tranh đảm bảo ông ta không thể bước chân vào Phòng Bầu dục". Trong những cuộc khảo sát trước đây, bà Clinton thường dẫn trước ông Trump với cách biệt khá lớn. Nhưng kết quả thăm dò của Reuters/Ipsos công bố hôm 19-7 cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Trump đã tăng lên và thu hẹp cách biệt với bà Clinton xuống còn 7% so với 15% vào tuần trước.

Bước ngoặt chính trị

Theo nhận định của giới quan sát, việc ông Trump được xác nhận là ứng viên đại diện đảng Cộng hòa tranh chức tổng thống là bước ngoặt của nền chính trị Mỹ. Nhiều người cũng coi đây là thắng lợi hoàn hảo cho tỉ phú 70 tuổi khi tham vọng vào Nhà Trắng của ông Trump trước đây được ví như "một trò hề". Có thể nói, ông trùm giải trí đã vượt những ứng viên dày dạn với chiến lược tranh cử riêng theo chủ nghĩa dân túy. Chiến dịch của ông Trump với khẩu hiệu "làm nước Mỹ vĩ đại lần nữa" thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận nhưng cũng không ít người phản đối khi khai thác các vấn đề gây chia rẽ như tâm lý lo sợ công việc của người dân Mỹ bị "người khác cướp mất", phản đối tự do thương mại, chỉ trích đồng minh Nhật Bản và đặc biệt là lời kêu gọi một lệnh cấm hoàn toàn những người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.

Trong tuyên bố hôm 19-7, đồng minh của ông Trump trong chiến dịch tranh cử Chris Christie còn cho biết nếu đắc cử tổng thống, tỉ phú 70 tuổi "sẽ tìm cách loại bỏ" các quan chức chính phủ liên bang do đương kim Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ bổ nhiệm, kể cả đề nghị Quốc hội thông qua đạo luật giúp việc "sa thải" này dễ dàng hơn. Theo Thống đốc bang New Jersey, tất cả những nhân vật cần loại bỏ đều đã được lên danh sách. Được biết, ông Trump trước đó đã tuyên bố sẽ loại bỏ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) và áp dụng trở lại một số chính sách môi trường tham vọng nhất mà ông cho rằng sẽ hồi sinh ngành công nghiệp dầu mỏ và than đá của Mỹ đồng thời củng cố an ninh quốc gia.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Dẫn lời Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier, Reuters hôm 20-7 cho biết ông Trump nếu trở thành tổng thống có thể đe dọa an ninh không chỉ của nước Mỹ mà còn cả thế giới từ tư duy chính trị "sợ hãi và cô lập" của ứng viên đảng Cộng hòa.

Ngoại trưởng Đức là chính trị gia cấp cao đầu tiên phê bình chính sách đối ngoại của ông Trump. Trong văn bản trả lời phỏng vấn hãng tin Anh Reuters, Ngoại trưởng Steinmeier nói rằng một chính trị gia kết hợp giữa nỗi sợ hãi ở trong nước và chủ nghĩa tự cô lập vô trách nhiệm ở nước ngoài chỉ khiến an ninh bị suy yếu. Điều này không chỉ nguy hiểm đối với Mỹ mà còn cả châu Âu và toàn thế giới. Theo ông Steinmeier, tình hình thế giới khủng hoảng hiện nay rất dễ hô hào cho chiến dịch vận động nhưng thách thức là phải tìm ra biện pháp giải quyết chứ không phải dựa vào những khẩu hiệu suông.

Chia sẻ bài viết