 |
Tổng thống Hosni Mubarak (trái) và con trai Gamal cùng xuất hiện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi năm 2009.
Ảnh: WEF |
Gần 3 thập niên nắm quyền, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã trở thành một trong những “rường cột” của Trung Đông, khi ông được xem là “điểm cố định trong lúc mọi thứ xung quanh đều thay đổi”. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 năm trước khi diễn ra bầu cử tổng thống (mùa thu 2011), sự bất ổn bắt đầu âm ĩ trên chính trường Ai Cập.
Dù Ai Cập bác bỏ tin cho rằng sức khỏe ông Mubarak đang suy yếu, nhưng một số người đã đặt vấn đề liệu ở tuổi 83 vào năm tới, ông có thể đảm nhận thêm nhiệm kỳ 6 năm nữa (!?). Trong hoàn cảnh được báo giới nước ngoài gọi là nóng bỏng hiện nay, một chiến dịch đã được ông Mubarak vận dụng để đưa con trai, Gamal Mubarak, thay thế vị trí của mình.
Cả Tổng thống Mubarak lẫn Gamal đều phủ nhận kế hoạch “thừa kế” trên, nhưng hãng tin Reuters (Anh) cho rằng nếu ông Mubarak không tiếp tục tranh cử, thì đảng Dân chủ Quốc gia (NDP) cầm quyền sẽ đề cử người con trai 46 tuổi của ông làm ứng viên. Từ năm 2000 đến nay, Gamal, chủ một ngân hàng đầu tư chuyển sang làm chính trị, đã thăng tiến một mạch trong NDP và hiện là Phó Chủ tịch NDP, đứng đầu Ủy ban chính sách đầy quyền lực của đảng. 2 năm qua, trên cương vị này, Gamal đã đi khắp đất nước để tiếp xúc, lắng nghe nguyện vọng của người dân địa phương, và truyền thông quốc gia thường làm phim tài liệu về những sự kiện đó.
Thời báo New York (Mỹ) cho biết vài tuần qua, nhiều áp phích in hình Gamal được dán ở các khu vực dân cư có thu nhập thấp quanh Thủ đô Cairo, với khẩu hiệu: “Gamal Mubarak: mơ ước của người nghèo”. Những tấm áp phích này được xem là thủ thuật đầu tiên cho chiến dịch vận động tranh cử của Gamal. Nhằm tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống có tính cạnh tranh, Ai Cập đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp hồi năm 2007, nhưng các nhà quan sát cho rằng vẫn có phần thuận lợi cho ứng viên của đảng cầm quyền, khi cấm các ứng viên độc lập tham gia. Tổng thống Mubarak đã không đề cử cấp phó cho mình kể từ khi lên nắm quyền năm 1981 đến nay.
Tổng thống Mubarak cũng không quên “dọn đường chính trị” cho con trai với bên ngoài. Sau khi Gamal tháp tùng ông Mubarak tới Washington khởi động lại tiến trình hòa bình Isreal - Palestine hồi đầu tháng này, Tổng thống Mubarak tiếp tục chủ trì vòng đàm phán trực tiếp thứ hai giữa các nhà lãnh đạo Israel và Palestine tại thành phố du lịch Sharm el-Sheikh, bên bờ Biển Đỏ, hôm 14-9. Trong khi hầu hết các nước Trung Đông đứng ngoài, không muốn can dự tiến trình hòa bình vô vọng này (kể cả Arabie Séoudite - quốc gia từng đề xuất sáng kiến hòa bình Trung Đông), thì Ai Cập tỏ ra sốt sắng, sẵn sàng đứng ra làm trung gian. Thế nên, báo CSMonitor (Mỹ) dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng Tổng thống Mubarak đang tìm cách “đánh bóng” vai trò của Ai Cập như là một đồng minh gần gũi của Mỹ nhằm mở rộng đường chính trị cho Gamal. Bởi vì, làm nước chủ nhà cho vòng đàm phán hòa bình Israel-Palestine, ông Mubarak đã gởi thông điệp tới cả Mỹ và Israel rằng Gamal là “sự lựa chọn an toàn” để duy trì nền hòa bình giữa Ai Cập với Israel, cũng như vai trò của Cairo trong cuộc đàm phán Israel-Palestine.
N. KIỆT (Theo Csmonitor và New York Times)