17/07/2017 - 15:22

Đối thoại kinh tế Mỹ - Trung sẽ gay cấn

TTH - Đối thoại Kinh tế Toàn diện Mỹ - Trung sẽ diễn ra tại Washington ngày 19-7 tới, giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ dùng thương mại để gây áp lực buộc Bắc Kinh làm nhiều hơn nữa trong việc kiềm chế chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump nhiều lần khẳng định sẽ mạnh tay với Trung Quốc về mậu dịch nhằm làm giảm mức thâm hụt thương mại song phương lên tới 347 tỉ USD hồi năm ngoái. Tuy nhiên, sau cuộc gặp được mô tả là "thân thiện hơn mong đợi" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4, Tổng thống Trump có phần dịu giọng và thậm chí bất ngờ tuyên bố Bắc Kinh không thao túng tiền tệ.

Hai ông Donald Trump (trái) và Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Mỹ hồi tháng 4. Ảnh: AP

Thế nhưng trong cuộc gặp giữa hai người bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức vào thượng tuần tháng 7, sự nồng ấm không còn như trước vì ông Trump cho rằng Trung Quốc chưa làm hết sức mình trong việc kiềm chế đồng minh Triều Tiên, mà biểu hiện cụ thể là Bình Nhưỡng đã lần đầu tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa được cho có khả năng vươn tới xứ cờ hoa hôm 4-7, ngay ngày quốc khánh Mỹ. Ngoài ra, Washington còn nói rằng bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã tăng hơn 10% trong nửa đầu năm nay, điều mà Bắc Kinh lập tức bác bỏ. Tỏ ra hết kiên nhẫn, Mỹ một mặt yêu cầu Bắc Kinh tăng cường sức ép lên Bình Nhưỡng, mặt khác tiến hành trừng phạt một số công ty Trung Quốc có giao dịch với Triều Tiên.

Đáp lại, Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ những chỉ trích (chủ yếu là từ Mỹ) cho rằng nước này chưa cố gắng đủ để gây áp lực khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 11-7 tuyên bố Bắc Kinh không đẩy căng thẳng leo thang nên không có trách nhiệm chính tìm ra giải pháp.

Về quan hệ thương mại song phương, dù hai bên hồi tháng 5 đã đạt được thỏa thuận mở cửa thị trường Trung Quốc cho mặt hàng thịt bò vì khí đốt của Mỹ, nhưng thâm hụt của Mỹ trong tháng 6 lại tăng mạnh lên mức cao nhất trong gần hai năm qua.

Trong diễn biến khác, Tổng thống Trump vừa chỉ định Dennis Shea, Phó Chủ tịch Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, giữ chức Phó Đại diện Thương mại Mỹ. Quyết định này đã bổ sung vào đội ngũ làm chính sách thương mại thêm một nhân vật chỉ trích Bắc Kinh, cùng với Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Giám đốc Chính sách thương mại và công nghiệp Peter Navarro.

Bên cạnh vấn đề thâm hụt mậu dịch và chương trình vũ khí của Triều Tiên, quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới còn vướng mắc do việc Mỹ vừa quyết định bán gói vũ khí trị giá 1,3 tỉ USD cho Đài Loan, đồng thời liên tục thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với Biển Đông...

Hôm 14-7, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2018 trị giá 696 tỉ USD, cao hơn mức đề xuất của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Nhân sự kiện này, cơ quan lập pháp kêu gọi quân đội Mỹ duy trì khả năng đối phó với những hành động hung hăng ở khu vực Ấn Độ- châu Á- Thái Bình Dương. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của mình ở Biển Đông và vừa gởi binh sĩ tới căn cứ quân sự đầu tiên ở hải ngoại tại Djibouti, chỉ cách Trại Lemonnier, một trong những cơ sở lớn nhất ở nước ngoài của Lầu Năm Góc, vài cây số. Washington cũng lo ngại Bắc Kinh sẽ mở căn cứ quân sự thứ hai tại Gwadar (Pakistan), nối liền vùng Tân Cương với Ấn Độ Dương thông qua Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 50 tỉ USD.

LÊ DÂN (Theo Reuters, PTI)

Chia sẻ bài viết