26/04/2020 - 10:59

Đời rác 

Vào dịp cuối tuần, Rosemary Nyambura thường đi nhặt chai nhựa với dì Miriam tại bãi rác Dandora ở khu vực ngoại ô thủ đô Nairobi (Kenya). Tuy công việc này tốn nhiều thời gian và nguy hiểm nhưng Rosemary hy vọng rằng nỗ lực của mình sẽ được đền đáp.

Bãi rác Dandora là nơi mưu sinh của nhiều người nghèo Kenya. Ảnh: The Intercept

Đến nay, nhiều đứa trong số 6 anh em họ của Rosemary đã bỏ học do dì không đủ khả năng tài chính. Cô bé 11 tuổi này tự nhủ rằng nếu học xong tiểu học, trung học, rồi tốt nghiệp đại học y, em sẽ quay trở lại Dandora. “Con thấy người dân ở đây thường xuyên bị bệnh. Nếu con sau này trở thành bác sĩ, con thậm chí sẽ giúp họ miễn phí” – Rosemary cho biết.

Tuy nhiên, ước mơ của Rosemary dường như quá xa vời so với nguồn thu nhập từ việc nhặt rác của em, bởi mọi thứ được xem là có giá trị tại bãi rác Dandora đều bị người khác tranh giành hết. Không những vậy, em còn bị thu phí khi nhặt rác tại một số khu vực. Chưa kể, số chai nhựa mà em nhặt có giá chưa tới 5 cent/kg, trong khi các hộp các-tông còn rẻ hơn. Điều đáng nói, để nhặt được một ký chai nhựa, Rosemary có thể mất nhiều giờ, thậm chí là vài ngày.

Để giúp những đứa trẻ sống gần bãi rác như Rosemary cải thiện cuộc sống, tổ chức thanh thiếu niên địa phương có tên Dandora HipHop City đã nghĩ ra một sáng kiến đặc biệt. Theo đó, tại cửa hàng của tổ chức này nằm cách bãi rác Dandora không xa, trẻ em có thể tích lũy điểm khi mang chai nhựa đến đổi. Số điểm tích lũy sau đó có thể được đổi lấy dầu ăn, bột mì, rau và các nhu yếu phẩm khác. Do số tiền thu được từ số đồ nhựa không đủ để trang trải cho số thực phẩm hỗ trợ trẻ em nghèo, Dandora HipHop City phải nhận sự trợ giúp từ nhân viên và bạn bè. Tổ chức này cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ hãng nước ngọt khổng lồ của Mỹ Coca-Cola, vốn coi châu Phi là “một trong những thị trường tăng trưởng cốt lõi trong tương lai”.

Tháng 9-2018, Coca-Cola đã cử một phái đoàn tới Dandora để gặp ban quản lý Dandora HipHop City. Song, Charles Lukania, Giám đốc chương trình của Dandora HipHop City, tiết lộ rằng thay vì đưa ra cam kết hỗ trợ tổ chức này, Coca-Cola “đề nghị cung cấp một tủ lạnh chứa đầy những lon Coca mà bọn trẻ có thể mua”. Đến cuối tháng đó, Coca-Cola bắt tay với Dandora HipHop City tổ chức sự kiện thu gom rác thải nhưng cũng không đề cập tới chuyện hỗ trợ tài chính cho tổ chức này. Hãng nước ngọt trị giá hơn 200 tỉ USD của xứ cờ hoa chỉ dành tặng một số chai Coca vỏ nhựa cho các tình nguyện viên sau khi họ dọn rác hàng giờ dưới cái nóng oi ả.

Thật ra, Coca-Cola, doanh nghiệp thải ra chất thải nhựa nhiều nhất ở châu Phi và trên thế giới, chỉ là một trong số nhiều công ty phớt lờ chuyện hỗ trợ thu gom bao bì, chai nhựa thải ra môi trường, khiến nhiều nơi phải căng mình xử lý và ngăn chặn tác hại do các sản phẩm của họ gây ra.

Tại Kenya, nơi có khoảng 18 triệu người sống với mức dưới 1,9 USD/ngày, trách nhiệm thu gom chai nhựa đáng lẽ thuộc về một số công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới nhưng nó lại thuộc về những người lao động nghèo nhất thế giới như Rosemary và người dì của em. 

TRÍ VĂN (Theo The Intercept)

Chia sẻ bài viết