|
Đồng yen tăng giá mạnh so với USD khiến các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật lao đao. Ảnh: Reuters |
Tuần qua, đồng USD liên tiếp lập các kỷ lục bất đắc dĩ. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, đô-la Mỹ có giá thấp hơn franc Thụy Sĩ (tỷ giá ngày 14-3 là 0,9971 CHF/USD). Và cũng là lần đầu tiên kể từ lúc ra đời năm 1999 đến nay, 1 euro đổi được tới 1,5690 USD. So với yen Nhật, USD rớt xuống mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây khi một USD chỉ đổi được 98,89 yen.
Đồng USD mất giá còn góp phần tạo ra 2 kỷ lục khác: Giá dầu vượt ngưỡng 110 USD/thùng và vàng phá “trần” 1.000 USD/ounce. Theo các nhà phân tích, trên thị trường thế giới, dầu và vàng chủ yếu được giao dịch bằng USD nên việc USD mất giá đẩy giá danh nghĩa của 2 mặt hàng này lên cao. Cũng với lập luận như vậy mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong cuộc họp ngày 14-3 nhất định không chịu tăng sản lượng vì cho rằng nếu tính bằng các đồng tiền khác thì giá “vàng đen” không tăng bao nhiêu.
Việc giá đô-la Mỹ không ngừng tuột dốc khiến tình hình xuất khẩu của nhiều nước gặp khó khăn. Chẳng hạn như tại Nhật, giới lãnh đạo doanh nghiệp đang giục chính phủ nước này nhanh chóng phối hợp với các nước khác nhằm sớm có biện pháp bình ổn thị trường hối đoái thế giới. Theo họ, lợi nhuận của các nhà xuất khẩu sẽ bị triệt tiêu nếu tỷ giá giữa đồng yen và USD tiếp tục duy trì ở mức hiện nay. Còn Venezuela thì vừa ký một số hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ thanh toán bằng đồng euro để tránh tổn thất do việc đô-la Mỹ mất giá. Trong khi đó, nhiều nước đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn ngoại tệ dự trữ thay vì phần lớn được cất giữ bằng USD như trước đây. Ví dụ như tại Nga, nước đứng thứ ba thế giới về dự trữ ngoại hối với 490 tỉ USD, tỷ trọng USD trong cơ cấu ngoại tệ dự trữ hiện chỉ còn 30%.
Phát biểu hồi cuối tuần rồi, Tổng thống Mỹ George Bush khẳng định không có chủ trương thay đổi chính sách đối với đồng USD, tức vẫn muốn đồng bạc xanh mạnh. Theo ông, USD yếu khiến chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng Mỹ tăng cao, trong đó có giá dầu nhập khẩu bị đội lên. Tuy nhiên, ông Bush không cho biết sẽ đưa ra giải pháp cụ thể gì để giúp đô-la Mỹ lấy lại “phong độ”. Trong khi đó, sau khi bơm thêm 200 tỉ USD vào thị trường tiền tệ hôm 11-3, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong cuộc họp vào ngày mai 18-3 nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản từ 3% xuống 2% để hà hơi tiếp sức cho nền kinh tế đang èo uột. Điều này chắc chắn sẽ làm đồng USD tiếp tục mất giá. Do vậy, nhiều nhà đầu tư có lý khi hoài nghi Tổng thống Bush. Họ cho rằng Washington hài lòng với đồng USD yếu để hỗ trợ xuất khẩu nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại đang ở mức cao kỷ lục (lên tới 708,5 tỉ USD hồi năm ngoái).
LÊ DÂN
(Theo Kyodo News, Dow Jones)