04/02/2024 - 13:16

Dinh dưỡng hợp lý cho bà bầu trong ngày Tết  

Những bữa tiệc ngày Tết có thể làm xáo trộn hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là đối với bà bầu, không phải thực phẩm nào cũng tốt cho sức khỏe của mẹ con. ThS.BS Lê Khánh An, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ lưu ý, ngày Tết, các bà bầu nên duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp để bảo vệ sức khỏe của mình và sự phát triển khỏe mạnh cho thai nhi.

Thai phụ cần lưu ý chế độ dinh dưỡng phù hợp, tốt cho sức khỏe cả mẹ và bé. Ảnh: BV cung cấp.

Canh măng giò heo là một trong những món ăn truyền thống của nhiều gia đình ngày Tết. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên, canh măng không phải là lựa chọn tốt cho sức khỏe của mẹ bầu. Măng tươi - nguyên liệu chính trong canh măng, có chứa chất cyanide, nếu nấu không kỹ có thể gây ngộ độc thực phẩm. Măng khô cũng có các chất bảo quản không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, giò heo có trong món ăn này thường chứa nhiều mỡ, không phù hợp với các thai phụ thừa cân béo phì.

Theo ThS.BS Lê Khánh An, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế BV Phụ sản TP Cần Thơ, nguyên tắc dinh dưỡng của thai phụ vào ngày Tết không nên thay đổi nhiều so với ngày thường, đó là: đầy đủ - cân bằng - đa dạng. “Ðầy đủ” nghĩa là các thai phụ cần ăn đủ các nhóm thực phẩm tinh bột, chất béo lành mạnh, đạm động vật phối hợp đạm từ thực vật, các loại rau xanh và trái cây. “Cân bằng” đề cập đến việc thai phụ không nên ăn quá nhiều hoặc quá ít mà nên duy trì sự cân bằng giữa các nhóm thực phẩm. “Ða dạng” đồng nghĩa với việc thai phụ nên tiêu thụ nhiều loại thực phẩm từ mỗi nhóm, vì mỗi loại cung cấp những chất dinh dưỡng khác nhau giúp hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.

Theo BS An, chị em hãy chọn những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng thay vì giàu năng lượng. Thai phụ cần cân đối lượng ăn vào để đảm bảo không bị tăng cân quá nhanh cũng như tránh bị đầy bụng, khó tiêu. Một ví dụ điển hình là bánh chưng, một món ăn quen thuộc ngày Tết, sẽ có lượng calorie gấp đôi so với cơm. Nếu thai phụ đã ăn bánh chưng hoặc bánh tét thì không nên ăn thêm cơm và nên ăn một phần ít hơn so với khẩu phần ăn hằng ngày.

BS An khuyến cáo, với những thai phụ có bệnh lý tăng huyết áp, tim mạch hoặc đái tháo đường thai kỳ, cần lưu ý hạn chế những thức ăn nhiều đường như bánh, mứt và nhiều muối như giò lụa, giò thủ, lạp xưởng, dưa cải muối chua. Thai phụ cần ưu tiên lựa chọn các loại tinh bột phức như bún, miến, cơm,... và giảm tiêu thụ các thực phẩm nhiều đường; ăn đầy đủ chất đạm từ thịt nạc, cá, hải sản và hạn chế các loại thịt mỡ, thịt chế biến sẵn; ưu tiên ăn nhiều rau củ và trái cây ít ngọt.

Cách chế biến cũng rất quan trọng đối với sức khỏe bà bầu. Chị em nên tránh ăn những thực phẩm chưa nấu chín như nem chua, hải sản hoặc trứng sống vì có thể chứa vi khuẩn có hại gây ngộ độc, ví dụ như khuẩn salmonella. Ðối với thức ăn được nấu chín hoàn toàn vi trùng này sẽ bị tiêu diệt.

Bà bầu cần bổ sung đủ nước, từ 2 lít nước mỗi ngày. Lưu ý không sử dụng bia rượu, ngay cả với một lượng nhỏ và dù ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Nên hạn chế việc tiêu thụ nước ngọt có gas, nước tăng lực vì chúng thường chứa lượng calorie cao nhưng không có giá trị dinh dưỡng.

Bác sĩ cũng khuyên thai phụ không nên tiêu thụ những thực phẩm đã để qua ngày, có dấu hiệu ôi thiu, mốc. BS Khánh An mong rằng, việc ăn uống cân đối, đủ chất dinh dưỡng và tuân thủ những nguyên tắc an toàn thực phẩm sẽ giúp thai phụ trải qua kỳ nghỉ Tết an toàn và vui vẻ. Ðồng thời, chị em cũng đừng quên vận động thể dục nhẹ nhàng, nghỉ ngơi đầy đủ, tiếp tục bổ sung vitamin tổng hợp của thai kỳ và tư vấn với bác sĩ để có lịch trình ăn uống và chăm sóc sức khỏe hợp lý, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết