07/04/2016 - 20:33

Điều chỉnh quy hoạch vùng ĐBSCL gắn với biến đổi khí hậu

Với các đặc điểm tự nhiên đặc thù, ĐBSCL là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Do vậy, rất cần một chiến lược lồng ghép các nội dung ứng phó với BĐKH và nước biển dâng ngay từ công tác quy hoạch, góp phần hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững. Bộ Xây dựng thực hiện đồ án "Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" (gọi tắt là Điều chỉnh quy hoạch vùng) để khắc phục các hạn chế trong việc triển khai quy hoạch được phê duyệt, phù hợp tình hình mới.

Phát triển đặc trưng các tiểu vùng

Theo Viện quy hoạch xây dựng miền Nam - đơn vị tư vấn thực hiện Điều chỉnh quy hoạch vùng, trên cơ sở các tiềm năng và động lực phát triển đơn vị tư vấn đã đề xuất các kịch bản phát triển vùng; kịch bản phát triển dân số; kịch bản dân số và quá trình đô thị hóa. Đồng thời, đề xuất các chiến lược hướng đến tầm nhìn, định hướng phát triển các tiểu vùng như: vùng Đồng Tháp Mười, vùng giữa sông Tiền, sông Hậu, vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Tây sông Hậu, vùng bán đảo Cà Mau và tiểu vùng ven biển Đông. Điều chỉnh quy hoạch vùng lựa chọn giải pháp gắn kết phát triển kinh tế vùng trong tương lai với việc làm nổi bật các đặc tính cốt lõi đầy tiềm năng của 6 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp đặc thù. Mỗi tiểu vùng sẽ có đặc trưng riêng về đặc điểm sinh thái, chất lượng nước và ngập lũ, khác biệt theo mùa, điều kiện thổ nhưỡng, các ảnh hưởng của BĐKH, tiềm năng khai thác phát triển kinh tế và đặc điểm tài nguyên tự nhiên. Mỗi tiểu vùng sẽ hình thành một trung tâm cho các nghiên cứu, kiến tạo và đổi mới các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tiểu vùng. Tầm nhìn cho vùng ĐBSCL đến năm 2050 làm nổi bật, tạo ra các đặc trưng khác nhau và tăng cường 6 vùng sinh thái nông nghiệp với các chiến lược hướng tới tầm nhìn: phát triển vùng ĐBSCL vừa trở thành vùng sinh thái vừa là vùng sản xuất với yêu cầu cân bằng phát triển kinh tế và bảo vệ sinh thái; phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng kinh tế xuất khẩu mạnh mẽ; phát triển không gian thích ứng với nước biển dâng; tái hợp nhất với các biến động đa dạng của thiên nhiên; giao thông thủy và bộ là yếu tố đan kết ngang dọc của mạng lưới giao thông vùng.

TP Cần Thơ - đô thị trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. (Trong ảnh: Một góc đô thị Cần Thơ).

Đơn vị tư vấn đề xuất 3 vùng phát triển thích ứng với BĐKH và tạo cơ hội để xem xét lại cấu trúc cảnh quan sản xuất đơn điệu hiện nay, kiến tạo một vùng cảnh quan sản xuất mới tương tác và trên cơ sở tài nguyên tự nhiên của mỗi tiểu vùng sinh thái. Trong đó, tiểu vùng Đồng Tháp Mười sẽ trở thành vùng nuôi trồng thủy sản giàu có và phát triển rừng tràm. Lúa gạo, rau và trái cây sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại tiểu vùng nước ngọt phù sa, tiểu vùng Tây sông Hậu và một phần của tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên. Nuôi trồng thủy - hải sản kết hợp với phát triển rừng ngập mặn được tập trung tại các tiểu vùng ven biển cùng với hệ thống rừng đặc dụng sẽ tạo nên cấu trúc xanh mới, bổ sung đan xen với mạng lưới sông nước được mở rộng toàn vùng ĐBSCL.

Hạ tầng cho vùng ĐBSCL được điều chỉnh lại cho hài hòa và thích ứng BĐKH và đặc điểm dễ bị tổn thương của lãnh thổ. Chọn lọc một cách cẩn trọng để không xây dựng mới các hạ tầng lớn quá tốn kém tại các khu vực thường xuyên chịu ngập lụt. Phát triển hệ thống giao thông tầng bậc với một trục xương sống nằm trên các dải đất cao trung tâm tâm vùng, kết nối các trọng điểm kinh tế - xã hội, như: TP Hồ Chí Minh, cao tốc xuyên Á, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế. Càng xa trục trung tâm vùng, mặt cắt của các tuyến nhánh càng khiêm tốn. Ngoài ra, mạng lưới đô thị mới tái định dạng lại tầng bậc hiện tại của các đô thị vùng ĐBSCL. Đồng thời, kết nối chặt chẽ hơn thông qua mạng lưới giao thông, hạ tầng đường bộ được điều chỉnh phù hợp với tình trạng ngập lụt trong tương lai cùng với việc hình thành cụm cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế tại biển Đông với công nghệ lấn biển tiết kiệm năng lượng. Một ý tưởng táo bạo cho vùng ĐBSCL, đó là dự án lấn biển. Theo đơn vị tư vấn, logic về bồi tích lấn biển tại Bạc Liêu trong mối tương quan với độ sâu thềm biển và gió mùa, cảng biển quốc tế của vùng ĐBSCL có vị trí hợp lý tại đường biển của thềm châu thổ dưới biển và có khoảng cách gần bờ nhất tại Bạc Liêu…

Cần thống nhất, phù hợp thực tế

Để Điều chỉnh quy hoạch vùng sát sao với tình hình thực tế các địa phương và đảm bảo thuận lợi khi triển khai thực hiện, từ cuối năm 2015, Bộ Xây dựng và Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam đã đến từng địa phương trong vùng ĐBSCL báo cáo và lấy ý kiến hoàn chỉnh quy hoạch. Tại TP Cần Thơ, Bộ Xây dựng vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến lần cuối của 13 tỉnh, thành trong khu vực về Điều chỉnh quy hoạch vùng. Theo ý kiến của các địa phương, đơn vị tư vấn cần quan tâm đến các tuyến giao thông ven biển trong tình hình BĐKH và nước biển dâng. Từ đó, có giải pháp thích hợp ứng phó BĐKH, bảo vệ các tuyến bên trong khi nước biển dâng. Bên cạnh đó, cần có các nghiên cứu sâu và toàn diện hơn về vấn đề triển khai các dự án lấn biển cũng như việc đề xuất triển khai cảng biển nước sâu tại tỉnh Bạc Liêu. Ngoài ra, nghiên cứu, cập nhật tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; cập nhật số liệu mới nhất về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các thông tin về đập thủy điện thượng nguồn, ảnh hưởng đến lượng phù sa vùng ĐBSCL…

Đa phần ý kiến các địa phương đề xuất đơn vị tư vấn rà soát các quy hoạch ngành để có sự thống nhất trong quy hoạch vùng. Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phân tích: Quy hoạch vùng có yếu tố không gian, nền tảng cụ thể cho các quy hoạch ngành. Đồng thời, liên quan trực tiếp đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện sinh hoạt và phát triển dân cư đô thị và là cơ sở để kêu gọi đầu tư ở các địa phương. Do đó, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành cần có tính thống nhất. Đơn vị tư vấn nên rà soát, tích hợp các quy hoạch ngành vào quy hoạch vùng. Trên cơ sở này, các địa phương khi thực hiện quy hoạch, triển khai các chương trình, dự án sẽ thuận lợi hơn.

Theo đại diện UBND tỉnh An Giang, hiện nay, ở ĐBSCL tàu tải trọng lớn không thể vào được. Do đó, luồng hàng từ các tỉnh, thành trong vùng phải đến Kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), vận chuyển đến TP Hồ Chí Minh đi sang các nước lân cận. Có thể nói, Kênh Chợ Gạo là cầu nối giữa vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế vùng ĐBSCL cần được đề xuất nâng cấp, mở rộng trong Điều chỉnh quy hoạch vùng. Bên cạnh đó, ĐBSCL gặp khó trong kêu gọi đầu tư do tàu lớn không vào được. Mặc dù, thời gian qua, cửa Định An được quan tâm khai thông nhưng vẫn chưa hiệu quả. Do vậy, đơn vị tư vấn cần đưa vào quy hoạch vùng vấn đề này để kêu gọi đầu tư khai thông luồng Định An. Ngoài ra, Điều chỉnh quy hoạch vùng nên đề cập và cần đẩy nhanh thực hiện tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc. Bởi đây là tiểu vùng chiếm khoảng 40% dân số của vùng rất cần thiết có tuyến đường cao tốc, rút ngắn khoảng cách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương và cả vùng. Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn cần đưa vào Quy hoạch danh mục các dự án ưu tiên đầu tư một cách cụ thể để quy hoạch này gần gũi hơn với các địa phương.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, cho biết: Trước tình hình BĐKH diễn ra gay gắt trong thời gian gần đây, Chính phủ giao Bộ Xây dựng thực hiện Điều chỉnh quy hoạch vùng phù hợp tình hình mới. Đây là cơ sở để giải quyết các vấn đề về xâm nhập mặn, ngập lụt, ứng phó BĐKH… cho các địa phương trong vùng. Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu các ý kiến của các tỉnh, thành hoàn thiện đồ án Điều chỉnh quy hoạch vùng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết