09/05/2014 - 13:51

Để “Cánh đồng lớn” phát triển theo chiều sâu

Năm 2011, ngành nông nghiệp phát động xây dựng mô hình "Cánh đồng lớn" (CĐL) tại các địa phương vùng ĐBSCL. Qua quá trình hình thành và phát triển của mô hình, các chuyên gia đầu ngành tiếp tục khẳng định CĐL là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình phải giải quyết những bất cập đang phát sinh. Mới đây, tại TP Cần Thơ, Văn phòng Điều phối Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới tổ chức Hội thảo CĐL đề tìm giải pháp phát huy hiệu quả của mô hình.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Nhiều năm qua, tại ĐBSCL đã hình thành các cánh đồng quy mô vài héc-ta đến hàng chục, hàng trăm héc-ta với tên "Cánh đồng 3 giảm, 3 tăng", "Cánh đồng 1 phải, 5 giảm", "Cánh đồng một giống", "Cánh đồng lúa chất lượng cao". Từ những mô hình này, nông dân liên kết thành nhóm, cùng áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ. Tiếp đó, sự tham gia của doanh nghiệp (DN) trong cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đã giúp các mô hình hoàn thiện với tên gọi CĐL. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Trước đây, cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất tập thể như: hợp tác xã, tổ liên kết hợp tác… nhưng đều gặp trở ngại về vấn đề quản lý và nông dân không muốn xa mảnh ruộng của mình. Mô hình CĐL tại ĐBSCL tạo điều kiện ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đồng bộ trên một diện tích lớn, rút ngắn khoảng cách về năng suất giữa các hộ dân, các thửa ruộng. Từ đó nâng cao năng suất lúa bình quân cho toàn vùng. Sản xuất lúa trong CĐL, chất lượng lúa đồng đều, làm nền tảng cho việc sản xuất lúa thâm canh, áp dụng tiêu chuẩn GAP thông qua liên kết "4 nhà".

Thu hoạch lúa tại CĐL ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Khải, Chuyên gia độc lập về Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổ chức sản xuất theo hợp đồng, tạo lập các CĐL là hình thức tổ chức, quản lý sản xuất tiến bộ nhất hiện nay. Với sự góp mặt của DN chế biến, tiêu thụ nông sản, 3 vấn đề lớn của kinh tế thị trường mà từng nông dân không thể làm được là: thị trường và thương hiệu; công nghệ mới; vốn đầu tư được giải quyết rốt ráo. Tiến sĩ Vũ Trọng Bình, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, diện tích sản xuất từng nông hộ nhỏ lẻ, khi tham gia CĐL, nông dân cùng nhau thực hành sản xuất theo quy trình chung. Trong đó, lợi ích mà hành động tập thể mang lại phải lớn hơn lợi ích của hành động riêng lẻ do từng cá nhân quyết định. Lợi ích của hành động tập thể được thể hiện trên các CĐL bao gồm: đạt tính kinh tế quy mô; giảm chi phí sản xuất; tăng khả năng tiếp cận với công nghệ, nguồn lực và thị trường mới; tăng vị thế đàm phán và khả năng cạnh tranh; chia sẻ rủi ro…

Thực tế cho thấy cho thấy, sản xuất lúa theo mô hình CĐL cơ bản hài hòa lợi ích cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị lúa gạo, đặc biệt là nông dân và DN. Và DN xây dựng được vùng nguyên liệu quy mô lớn, ổn định, đồng nhất về chất lượng; đảm bảo an toàn thực phẩm; truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Những yếu tố này giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tham gia mô hình, lợi nhuận nông dân thu được cao hơn từ 2,2-2,7 triệu đồng/ha so với sản xuất ngoài mô hình. Không chỉ vậy, người nông dân còn hình thành tư duy sản xuất gắn với thị trường, theo yêu cầu của DN; sản xuất vì lợi ích cộng đồng, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Cần chính sách đặc thù

Mặc dù đạt được những thành công nhất định, nhưng mối liên kết "4 nhà" trong mô hình CĐL vẫn còn lỏng lẻo, tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa DN và nông dân vẫn còn. Các CĐL gieo sạ đồng loạt nên thời gian thu hoạch tập trung tương ứng trong khi máy gặt đập liên hợp, lò sấy, kho bãi vẫn chưa được đầu tư đồng bộ. Tình trạng sản xuất manh mún, nông dân chưa chủ động tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể dẫn đến khó khăn trong tổ chức sản xuất, ký kết hợp đồng… Để khắc phục những vướng mắc nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần đề ra cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành lúa gạo từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản đến xuất khẩu. Điển hình như: bổ sung, sửa đổi một số văn bản quy định về điều kiện DN xuất khẩu gạo cần phải đầu tư vùng nguyên liệu hoặc phải có hợp đồng tiêu thụ lúa gắn với vùng nguyên liệu; tạo điều kiện cho nông dân và DN tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; thực hiện cơ giới hóa đồng bộ nhằm từng bước giảm thất thoát sau thu hoạch...

Các chuyên gia đầu ngành khẳng định, liên kết "4 nhà", đặc biệt là DN và nông dân là yếu tố quyết định sự thành bại của mô hình CĐL. Do đó, vai trò của mỗi tác nhân cần được xác định rõ để thúc đẩy liên kết thông qua cơ chế, chính sách và chỉ đạo, tổ chức thực hiện. "Điểm cơ bản và cốt lõi của CĐL chính là xây dựng liên kết ngang để thực hiện các hành động tập thể và liên kết dọc để hình thành kênh phân phối mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường một cách hiệu quả nhất. Mối liên kết giữa nông dân và DN chỉ thực sự có hiệu quả nếu toàn bộ gạo làm ra từ CĐL được bán theo một kênh thương mại với giá cao hơn khi nông dân làm đơn lẻ. Điều này cũng có nghĩa mô hình CĐL cần được hiểu ở bình diện rộng hơn, không chỉ về mặt không gian mà còn về mặt thể chế tổ chức trong quy hoạch, sản xuất, thương mại. Như thế, một mô hình mà nông dân liên kết sản xuất trên những mảnh ruộng không nằm cạnh nhau nhưng có cùng quy trình kỹ thuật, quản lý sản xuất, chất lượng sản phẩm tương đồng và có sự tham gia của DN thì cũng có thể coi đó là CĐL"- Tiến sĩ Vũ Trọng Bình, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, bày tỏ.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, để nâng cao giá trị lúa gạo và cải thiện thu nhập của nông dân, Nhà nước cần hỗ trợ các viện trường nghiên cứu các giống lúa mới; ứng dụng công nghệ, thiết bị mới trong khâu sấy, bảo quản để hạn chế tối đa thất thoát sau thu hoạch. Song song đó, đề ra cơ chế, chính sách khuyến khích hình thành hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh lúa gạo tổng hợp và sản phẩm chế biến từ lúa gạo tại những vùng sản xuất lúa tập trung. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đề xuất: Các địa phương thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới theo hướng GAP nhằm tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường tại các CĐL. Đồng thời, lồng ghép với Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia và các dự án liên quan để tăng cường nguồn lực phát triển và nhân rộng mô hình này. Việc nhân rộng và phát triển mô hình CĐL cần được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, tạo sức bật đưa "tam nông" phát triển ổn định, bền vững.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết