14/10/2013 - 13:02

Đầu đạn hạt nhân Nga thắp sáng và sưởi ấm nước Mỹ

Nhiều nhà máy điện nguyên tử ở Mỹ đang vận hành bằng uranium lấy từ các đầu đạn hạt nhân Nga. Ảnh: AP

Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí Rose Gottemoeller mới đây cho biết nhiên liệu uranium từ 20.000 đầu đạn hạt nhân của Nga theo Hiệp định "Megatons tới Megawatts" đang giúp cung cấp một nửa nguồn năng lượng hạt nhân của nước này.

Theo hiệp định hạn chế sử dụng vũ khí hủy diệt có tính bước ngoặt vào năm 1993 giữa Nga và Mỹ, còn được biết đến với tên gọi "Megatons tới Megawatts", Mỹ đã mua uranium chiết xuất từ khoảng 20.000 đầu đạn hạt nhân bỏ đi của Nga, và chuyển đổi thành nhiên liệu hạt nhân được sử dụng trong gần như tất cả các lò phản ứng nguyên tử. Do đó, cũng không ngoa khi nói rằng đầu đạn hạt nhân Nga đang thắp sáng và sưởi ấm hàng ngàn hộ gia đình tại Mỹ. Tuy nhiên, theo bà Gottemoeller, hiệp định này sẽ kết thúc vào tháng 12-2013 trong bối cảnh Mát-xcơ-va than phiền Washington mua nhiên liệu của họ với giá quá rẻ. Do đó, lượng uranium "được làm nghèo đi" từ 500 tấn uranium cấp độ sản xuất vũ khí của Nga sẽ được vận chuyển trên chuyến tàu cuối cùng từ thành phố St. Petersburg của Nga tới Mỹ vào tháng tới, và vào tháng 11 các quan chức Mỹ sẽ đến St. Petersburg để kiểm tra lần cuối nhằm hoàn tất hợp đồng. "Chiếc tàu mang theo những hàng hóa quan trọng sẽ cập bến ở Mỹ vào tháng 12. Chúng tôi hy vọng việc giao nhận sẽ hoàn thành tốt đẹp" - Bà Gottemoeller nói. Gần đây Mỹ đã cố gắng gia hạn hiệp định nhưng phía Nga từ chối vì cho rằng Washington trả giá quá "bèo".

Được ký kết sau khi Liên Xô sụp đổ, Hiệp định "Megatons tới Megawatts" ra đời trong bối cảnh cả hai nước đang tìm cách loại bỏ bớt đầu đạn hạt nhân theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược năm 1991. Trong hơn 15 năm qua, nguồn nhiên liệu uranium của Nga đã tạo ra khoảng 10% tổng sản lượng điện của Mỹ (nước này có 104 lò phản ứng hạt nhân và tạo ra gần 20% tổng sản lượng điện). Các chuyên gia ước tính theo giá thị trường, 500 tấn uranium có thể đổi ngang với 10 tỉ thùng dầu thô. Ngoài mua uranium của Nga, Mỹ cũng sử dụng một lượng nhỏ uranium lấy từ vũ khí hạt nhân bị loại bỏ của mình để sản xuất điện.

Theo Công ty USEC được Chính phủ Mỹ thành lập để cung cấp uranium cho các nhà máy điện hạt nhân, tính đến nay Washington đã chi khoảng 8 tỉ USD cho lượng uranium mà Nga cung cấp. USEC cho biết mặc dù chương trình này kết thúc nhưng USEC và tập đoàn Techsnabexport (Tenex) của Nga vừa ký kết một hợp đồng với thời hạn 10 năm nhằm cung cấp uranium để thay thế nguồn nhiên liệu mà Hiệp định "Megatons tới Megawatts" mang lại. Theo đó, USEC sẽ chi trả cho Tenex với giá thị trường. Tuy nhiên, số nhiên liệu mà phía Nga cung cấp trong thời gian sắp tới chỉ bằng một nửa so với lượng mà Mỹ hiện nhận từ Nga, và nguồn uranium mới sẽ được sản xuất thương mại chứ không phải lấy từ các đầu đạn hạt nhân.

QUỐC KIỆT (Tổng hợp)

Hiện Mỹ và Nga sở hữu hơn 90% số đầu đạn hạt nhân của thế giới. Từ năm 1945 tới nay Mỹ đã chế tạo 70.000 đầu đạn, trong khi Nga sản xuất 55.000 đơn vị kể từ năm 1949. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, hiện Nga có 8.500 đầu đạn hạt nhân trong khi con số đó của Mỹ là 7.700. Theo một thỏa thuận được ký kết hồi năm 2010, Nga và Mỹ sẽ giảm số đầu đạn hạt nhân chiến lược của mỗi bên xuống còn 1.550 đơn vị. Tháng 6 năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề nghị mỗi nước cắt giảm thêm 1.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược.

 

Chia sẻ bài viết