09/06/2016 - 08:59

Đằng sau sự ấm lên trong quan hệ Nga -Israel

Chuyến thăm Nga lần thứ ba kể từ tháng 9-2015 của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngoài mục đích kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước còn vì những nguyên nhân khác, theo báo Haaretz của Israel.

Theo thông báo từ Điện Kremlin, ngày 7-6 Thủ tướng Netanyahu đã gặp gỡ và trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về các mối quan hệ văn hóa và thương mại song phương bên cạnh các chủ đề khác như khủng bố quốc tế, quan hệ Israel - Palestine và cuộc nội chiến ở Syria. Trước thềm chuyến thăm này, Thủ tướng Netanyahu đã lên tiếng ca ngợi nỗ lực (can thiệp quân sự) của Nga tại Syria. "Nga là một cường quốc thế giới và mối quan hệ Israel- Nga đang ngày càng khắn khít hơn. Tôi đã đi theo hướng này và ngày nay nó đang phục vụ chúng ta, an ninh quốc gia của chúng ta, ngăn chặn các cuộc xung đột nguy hiểm và không đáng có ở biên giới phía Bắc của chúng ta"- nhà lãnh đạo Israel nói với hãng tin Nga RIA Novosti hôm 5-6. Xung đột phía Bắc có thể hiểu là những gì liên quan đến cuộc nội chiến ở Syria, nơi Nga đang thực hiện các cuộc không kích chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) từ tháng 9 năm ngoái.

Tổng thống Nga Putin (trái) tiếp đón Thủ tướng Israel Netanyahu tại Điện Kremlin ngày 7-6. Ảnh: AP

Báo CNBC dẫn lời Daragh McDowell, nhà phân tích khu vực Trung Á và châu Âu thuộc công ty tư vấn Verisk Maplecroft (Anh), đưa ra một số nhận định lý giải cho sự xích lại gần nhau giữa Israel và Nga. Theo ông, Tel Aviv hy vọng sử dụng Nga để tạo ảnh hưởng đối với cách ứng xử của một số quốc gia thù địch trong khu vực, bao gồm Syria và Iran. Ngoài ra, Nga vốn là đồng minh thân cận nhất của Chính phủ Syria và quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin có thể giúp Israel tìm kiếm được sự công nhận của quốc tế đối với sự kiểm soát của nước này ở Cao nguyên Golan. Tel Aviv và Mát-xcơ-va xích lại gần nhau còn là vì ông Netanyahu muốn tăng cơ hội tái đắc cử từ những lá phiếu của cộng đồng người nói tiếng Nga ở Israel. Chưa hết, giữa lúc Mỹ và Pháp có ý định ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chống lại việc mở rộng các khu định cư Do Thái trên vùng đất chiếm đóng của người Palestine thì ông Netanyahu cần tìm kiếm sự hậu thuẫn từ Nga, một thành viên có quyền phủ quyết.

Về phần Nga, nước này háo hức tạo dựng và duy trì vị thế mạnh mẽ hơn ở Trung Đông và cũng nhằm giảm sự thống trị của Mỹ tại khu vực này. Ngoài ra, cả hai ông Putin và Netanyahu đều muốn tránh các cuộc va chạm ở Syria, quốc gia mà Israel cũng đang có những chiến dịch quân sự trên không. Chuyên gia Stephen Sestanovich thuộc Hội đồng Đối ngoại (Mỹ) giải thích rằng Israel không muốn vụ "tiêm kích Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hồi năm ngoái" tái diễn đối với các chiến đấu cơ của nước này. Sự cố máy bay trên được cho là do thiếu liên lạc giữa các bên.

THANH BÌNH (Theo CNBC, Haaretz)

Chia sẻ bài viết