03/03/2020 - 07:04

Đảng Dân chủ trước “ngày phán quyết” 

14 bang và vùng lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ sẽ tiến hành bầu cử sơ bộ vào ngày 3-3 (giờ địa phương), hay còn gọi “Siêu thứ Ba”.

Khảo sát cho thấy ông Sanders đang giành lợi thế ở hai bang quan trọng là California và Texas. Ảnh: AFP

Sớm lộ diện người thách thức Tổng thống Trump

Theo quy định, cử tri hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ đi bỏ phiếu bầu phổ thông để chọn đại biểu đến dự các đại hội đảng toàn quốc, nơi họ bầu ứng viên tổng thống đại diện cho đảng mình. Số lượng đại biểu mỗi bang được phân bổ nhất định dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm quy mô dân số. Hiện Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa không phải đối mặt với bất kỳ thách thức nào nên mọi ánh nhìn sẽ đổ dồn vào phe Dân chủ. Sự kiện này sẽ sớm lộ diện danh tính người thách thức ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11. 

Năm nay, một ứng viên muốn giành đề cử tổng thống của đảng Dân chủ phải đạt tối thiểu 1.991 đại biểu cam kết trong tổng số 4.750 đại biểu tại đại hội đảng diễn ra vào tháng 7. California, Texas là hai bang có số đại biểu lớn nhất với lần lượt là 415 và 228. Những bang còn lại cũng tổ chức bầu cử sơ bộ vào ngày 3-3 là Alabama, Arkansas, Colorado, Maine, Massachusetts, Minnesota, North Carolina, Oklahoma, Tennessee, Utah, Vermont và Virginia. 

Để giành sự ủng hộ của cử tri vào ngày “Siêu thứ Ba”, các ứng viên không chỉ đầu tư thời gian mà phải có cơ sở vật chất, chiến lược gây quỹ quảng bá và vận động nghiêm túc ở các bang trên toàn quốc. So với tổng số 155 đại biểu được chọn ra sau kỳ bầu cử sơ bộ ở 4 bang đầu tiên (Iowa, New Hampshire, Nevada và South Carolina), “Siêu Thứ Ba” được coi là “ngày phán quyết” khi sẽ có 1.357 đại biểu được chọn tham gia các đại hội đảng toàn quốc.

Ứng viên trẻ bỏ cuộc

Chờ xem tỉ phú Bloomberg
Tỉ phú Michael Bloomberg đã rót hàng trăm triệu USD cho chiến dịch giành đề cử tổng thống của đảng Dân chủ. Và ngày 3-3 cũng là lần đầu tiên cựu thị trưởng thành phố New York có tên trên lá phiếu và sự kiện này được ví như “phép thử” cho việc ông đã bỏ ra số tiền kỷ lục 500USD quảng bá chiến dịch tranh cử của mình.

Hiện thượng nghị sĩ Bernie Sanders đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận ở California và Texas. Chính trị gia 79 tuổi đang được kỳ vọng tiếp tục tận dụng mọi nguồn lực để chiếm ưu thế trước những đối thủ còn lại. Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Joe Biden có sự trở lại đầy kịch tích với chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử sơ bộ ở Nam Carolina tuần rồi. Diễn biến này được cho dẫn tới quyết định rút lui của ứng viên công khai đồng tính đầu tiên chạy đua giành đề cử tổng thống Pete Buttigieg. Nhưng theo nhận định của các nhà quan sát, ứng viên trẻ tuổi nhất này dừng cuộc đua là vì chiến dịch của ông khá chật vật để thu hút cử tri người Mỹ gốc Phi. Tuy giữ chức thị trưởng South Bend (bang Indiana) có 25% người da đen, ông Buttigieg phải đối mặt với chỉ trích vì sa thải cảnh sát trưởng người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử thành phố. Mặc dù là ứng viên có hạng ở Iowa và New Hampshire, AP cho biết chính trị gia 38 tuổi chỉ giành được 3% số phiếu từ cộng đồng da màu trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Nam Carolina.

Quyết định của Buttigieg đồng thời tăng áp lực lên phe ôn hòa với gương mặt đại diện là ông Biden, trong cuộc đua nội bộ đảng Dân chủ trước cánh thiên cánh tả gồm các ứng viên như ông Sanders và thượng nghị sĩ Elizabeth Warren. Không lên tiếng ủng hộ bên nào, nhưng ông Buttigieg từng cảnh báo rủi ro nếu đảng Dân chủ đề cử thượng nghị sĩ Sanders làm đại diện “đấu” với Tổng thống Trump vào tháng 11. Ông Buttigieg còn cho rằng đề cử này có thể ảnh hưởng đến số ghế đảng Dân chủ kiểm soát tại quốc hội.

Tuy nhiên, các ứng viên cấp tiến như ông Sanders và bà Warren đang cho thấy sức cạnh tranh mạnh mẽ thông qua việc thu hút các khoản quyên góp, đặc biệt bằng hình thức trực tuyến trên toàn quốc. Chiến dịch tranh cử của ông Sanders cho biết họ đã huy động được hơn 46,5 triệu USD hồi tháng 2, bà Warren cũng bám theo với 29 triệu USD. Trong khi đó, ông Biden cho biết đã huy động được khoảng 17 triệu USD.

MAI QUYÊN (Theo AFP, Guardian)

Chia sẻ bài viết