30/06/2022 - 05:47

Dân văn phòng Hàn Quốc khốn đốn vì lạm phát 

Bà Park Mi-won, một nhân viên văn phòng ở Hàn Quốc, chưa từng mua bữa trưa từ cửa hàng tiện lợi. Nhưng người phụ nữ 62 tuổi giờ đây phải thay đổi khi giá bữa trưa tự chọn yêu thích của bà vừa tăng thêm 10% lên 9.000won, trong bối cảnh lạm phát tại xứ kim chi đã tăng lên mức cao nhất 14 năm.

Một nhân viên văn phòng dùng bữa trưa trong cửa hàng tiện lợi tại Seoul hôm 24-6.

Một nhân viên văn phòng dùng bữa trưa trong cửa hàng tiện lợi tại Seoul hôm 24-6.

“Sau khi giá tăng, tôi chọn đến cửa hàng tiện lợi bởi giá cả ở đây hợp lý trong khi thức ăn cũng ngon. Vì thế, bây giờ tôi đến đó 2-3 lần mỗi tuần” - bà Park giải thích. Tương tự, nhiều nhân viên văn phòng khác cũng buộc phải thay đổi thói quen ăn trưa khi giá tiêu dùng tăng lên nhanh chóng.

Theo Liên Hiệp Quốc, giá lương thực toàn cầu trong tháng 5 đã tăng 23% so với năm trước. Nguyên nhân là cuộc xung đột tại Ukraine ảnh hưởng đến nguồn cung ngũ cốc từ nước này và Nga, cũng như khiến giá năng lượng và phân bón tăng cao. Tại Hàn Quốc, giá tiêu dùng trong tháng 5 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong gần 14 năm qua. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cảnh báo lạm phát sẽ còn tăng nữa. Và điều này đang tác động mạnh đến bữa ăn của nhiều người.

Được ví như “bữa trưa thời lạm phát”, các món ăn trưa được yêu thích như bò hầm với cơm đã tăng giá 12,2%, trong khi mì lạnh tăng 8,1%. Tại thủ đô Seoul, giá mì lạnh trung bình đã vượt ngưỡng 10.000won, trong khi giá mì ramen ăn liền là trên 1.000won. Nhờ cung cấp các món ăn giá rẻ như mì gói, bánh mì sandwich và cơm cuộn rong biển với giá chưa tới 6.400won, các cửa hàng tiện lợi đang trở thành lựa chọn phổ biến khi những người làm công ăn lương như bà Park tìm cách giảm tiền ăn trưa.

Theo Reuters, doanh số bán bữa ăn nấu sẵn từ tháng 1 đến tháng 5 của chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Nhận thấy nhu cầu ngày càng cao, GS25 vừa tung ra dịch vụ đăng ký suất ăn trưa dành cho nhân viên văn phòng, kèm theo giảm giá và giao hàng tận nơi. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi khác - bao gồm CU và 7-Eleven - cũng nhận thấy nhu cầu tăng tương tự, trong khi doanh số bán hộp cơm trưa của Emart24 tăng 50% ở những nơi có nhiều tòa nhà văn phòng. 

Trong khi đó, BOK ước tính cứ mỗi lần giá nông sản nhập khẩu tăng 1% thì giá thực phẩm chế biến sẵn tại xứ kim chi tăng 0,36% trong năm kế tiếp và giá món ăn tại nhà hàng tăng 0,14% trong 3 năm tiếp theo. Tháng 5, giá bán món ăn tại nhà hàng đã tăng 7,4% so với năm trước và là mức tăng cao nhất trong 24 năm qua. Lee Sang-jae, chủ một nhà hàng ở quận trung tâm Seoul cho biết nhà hàng của ông đã tăng giá 2 lần trong năm nay, từ 10.000won lên 12.000won.

Mặc dù bữa trưa ở cửa hàng tiện lợi cũng không tránh khỏi tình trạng lên giá, nhưng nhìn chung vẫn rẻ và đang trở thành lựa chọn phổ biến của người lao động. “Nó rẻ hơn nhiều so với đến nhà hàng, nhưng nhược điểm là chúng tôi không thể ăn trưa cùng nhau ở đây” - Ku Dong-hyun, một nhân viên văn phòng 28 tuổi đang dùng bữa trưa mua từ GS25, nói. Tại Hàn Quốc, bữa trưa rất quan trọng đối với nhân viên văn phòng, bởi họ thường dành thời gian ăn trưa để giao lưu với bạn bè và đồng nghiệp. Nhưng một khảo sát vào tháng trước của trang tuyển dụng trực tuyến Incruit cho thấy 96% trong số 1.004 nhân viên văn phòng được hỏi nói rằng họ thấy giá bữa trưa đang ở mức cao và gần một nửa trong số đó đang tìm cách cắt tiền ăn trưa.

Trước vấn đề giá cả tăng cao tác động không nhỏ đến người tiêu dùng, Thủ tướng Han Duck-soo hôm 28-6 đã kêu gọi các bộ trưởng đưa ra biện pháp giúp ổn định lạm phát. Ông Han cho rằng chính phủ phải nỗ lực hết sức để quản lý giá cả nhằm ổn định sinh kế và để giảm chi phí sinh hoạt cho người dân. Cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch -Tài chính Choo Kyung-ho đã yêu cầu các công ty kiềm chế việc tăng lương quá mức cho nhân viên vì động thái này có thể tiếp tục đẩy nhanh lạm phát. Ông Choo cũng kêu gọi các công ty cải thiện năng suất và cắt giảm chi phí để giúp kiểm soát lạm phát.

NGUYỆT CÁT (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết