05/09/2013 - 15:00

Đảm bảo an toàn tiêm chủng

Sau sự cố liên quan đến chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở tỉnh Quảng Trị, một số phụ huynh tỏ ra ngán ngại khi đưa trẻ đi tiêm ngừa. Trước tình hình đó, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ có nhiều động thái như: ban hành nhiều công văn chỉ đạo về hoạt động tiêm chủng, kiểm tra công tác tiêm chủng, tập huấn và tập huấn lại cho cán bộ phụ trách tiêm chủng tại các tuyến trên địa bàn TP Cần Thơ.

Ngại nhưng vẫn cho con tiêm ngừa

 Tiêm ngừa tại Trạm Y tế phường An Cư, quận Ninh Kiều.

Tuy có những thông tin về sự cố TCMR (ở các địa phương khác) nhưng ở các trạm y tế lượng tiêm ngừa không giảm. Chị Bùi Thị Kim Thủy, phường An Cư, quận Ninh Kiều cho biết: "Tôi sinh con được 2 tháng. Đến nay, con tôi được tiêm 2 mũi ngừa lao và viêm gan B. Sau khi nghe thông tin sự cố trong chương trình TCMR, gia đình tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, tôi nghĩ, TCMR có từ lâu, là chương trình quốc gia tiêm miễn phí cho trẻ em để phòng bệnh, nếu không an toàn thì không cán bộ y tế nào dám tiêm. Vì thế, dù lo lắng nhưng tôi vẫn cho con đi tiêm nhưng trước và sau khi tiêm, tôi để ý theo dõi sức khỏe của bé, có gì lạ, báo bác sĩ ngay". Theo quan sát của chúng tôi, rất đông bà mẹ đưa trẻ đến Trạm Y tế phường An Cư tiêm ngừa. Bà Phan Thị Hảo, phường An Cư cho biết: Tôi đưa cháu ngoại mới sinh được 13 ngày đến tiêm mũi ngừa lao. Trước khi đi, tôi cũng hồi hộp lắm, nhưng nhìn xung quanh, thấy nhiều người bồng con, cháu đi tiêm ngừa. Vả lại, theo dõi thông tin thì tôi được biết ở TP Cần Thơ chưa xảy ra sự cố nào liên quan đến tính mạng của trẻ do tiêm ngừa. Nếu vì e ngại không tiêm ngừa, để cháu mắc bệnh nguy hiểm thì ân hận cũng muộn rồi. Khi khám, các bác sĩ ở trạm hỏi tôi rất kỹ về tiền sử sức khỏe của cháu rồi mới tiêm. Khi chuẩn bị tiêm, các cô y tá hỏi sáng cháu đã bú sữa chưa? tiêm xong, còn dặn để cháu ở lại trạm 30 phút để theo dõi diễn biến của trẻ. Thấy cán bộ y tế cẩn thận như vậy, tôi yên tâm phần nào".

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Cần Thơ, chương trình TCMR ở TP Cần Thơ được tổ chức tại 85/85 trạm y tế xã, phường, thị trấn của 9 quận, huyện. Ở các trạm y tế, TCMR thực hiện hằng tháng từ ngày 1 đến 3 tây (phục vụ cả ngày lễ, Tết). Hiện tại chương trình TCMR ngừa 11 bệnh: Lao, Ho gà, Bạch hầu, Uốn ván, Bại liệt, Viêm gan B, VMN do Hib, Sởi, Viêm não Nhật Bản, Thương hàn và Tả.

Ngoài TCMR, TTYTDP TP Cần Thơ và các quận, huyện (trừ Ninh Kiều và Bình Thủy), bệnh viện đa khoa tư nhân có triển khai tiêm ngừa dịch vụ một số vắc xin chưa có trong chương trình TCMR. Công tác tiêm ngừa dịch vụ do Sở Y tế TP Cần Thơ quản lý.

Củng cố chương trình TCMR các tuyến

Sau sự cố của TCMR ở tỉnh Quảng Trị, Sở Y tế và TTYTDP TP Cần Thơ có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở có tiêm ngừa, đặc biệt, các trạm y tế tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về sử dụng vắc-xin và thành lập Nhóm phản ứng nhanh để đáp ứng các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng tại TP Cần Thơ. Ngoài ra, TTYTDP TP Cần Thơ giám sát an toàn tiêm chủng từ ngày 1 đến ngày 3-8-2013 tại 43/85 trạm y tế xã, phường, thị trấn; TTYTDP quận, huyện cử cán bộ giám sát tại 100% bàn tiêm tại các trạm y tế xã, phường, trong thời gian tiêm chủng. Theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc TTYTDP TP Cần Thơ: "Tất cả trạm y tế được tập huấn về an toàn tiêm chủng, phòng chống sốc phản vệ nhiều năm nay và hằng năm đều có tập huấn bổ sung. Dự kiến trong tháng 9-2013, Trung tâm phối hợp Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tập huấn cập nhật định kỳ hằng năm cho 85/85 trạm y tế và cán bộ giám sát TCMR của quận, huyện về phòng, chống sốc phản vệ. Song song đó, trung tâm cũng tổ chức kiểm tra các điểm tiêm ngừa tại trạm y tế, thực hiện tuyệt đối an toàn tiêm chủng từ khâu nhận vắc xin, khám phân loại, kỹ thuật tiêm, tư vấn sau tiêm, nắm thông tin 24 giờ sau tiêm (ghi nhận những trường hợp phản ứng sau tiêm: sốt nhẹ, sưng đau tại chỗ tiêm…), báo cáo kết quả tiêm theo đúng qui trình".

Qua tiếp xúc với nhiều bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng, nhiều người băn khoăn lo lắng về việc bảo quản vắc-xin ở các trạm y tế để có thể đảm bảo chất lượng. Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc cho biết: Vắc-xin được bảo quản tại TTYTDP thành phố và quận, huyện bằng tủ chuyên dụng. Hằng tháng, TTYTDP TP Cần Thơ chuyển vắc-xin đến các quận, huyện, bảo quản bằng hòm lạnh chuyên dụng của chương trình. TTYTDP quận, huyện cấp vắc xin tuyến xã, phường 1 ngày trước tiêm chủng (đối với xã, phường ở xa trung tâm quận, huyện) và mỗi buổi sáng trong những ngày tiêm chủng (đối với những xã, phường gần trung tâm quận, huyện). Sau 3 ngày kết thúc tiêm chủng, nếu vắc-xin tại các trạm y tế còn dư (nguyên lọ chưa khui) thì các xã, phường phải gởi về bảo quản tại tủ chuyên dụng tại TTYTDP quận, huyện. Trạm y tế xã nhận và gởi vắc-xin đều sử dụng phích vắc-xin chuyên dụng từ chương trình TCMR quốc gia cung cấp.

Bài, ảnh: H.HOA

Sau sự cố liên quan đến tiêm ngừa viêm gan B ở tỉnh Quảng Trị, TP Cần Thơ vẫn tiếp tục tiêm vắc-xin viêm gan B theo chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng tại các BV và trạm y tế có bảo sanh. Vắc-xin sử dụng lô khác 2 lô có sự cố ở tỉnh Quảng Trị. Tháng 8-2013, TTYTDP TP Cần Thơ mới nhận thêm 2.000 liều vắc- xin viêm gan B do Viện Pasteur TPHCM cung cấp bằng xe chuyên dụng. Số lượng tiêm có hơi giảm so với số trẻ  mới sinh trong 24 giờ đầu vì tâm lý ngán ngại của một số phụ huynh.

Chia sẻ bài viết