28/08/2024 - 22:50

Đài Loan mạnh tay chi cho tàu ngầm nội địa 

Ðài Loan đang có kế hoạch dành khoản ngân sách lên tới 284 tỉ Ðài tệ (tương đương 8,9 tỉ USD) để đóng thêm 7 tàu ngầm trong vòng 14 năm tới trong nỗ lực chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc bất chấp những thách thức đáng kể về tài chính, hậu cần và địa chính trị.

Nguyên mẫu tàu ngầm lớp Hải Côn của Đài Loan. Ảnh: Meta-Defense

Người phát ngôn Nội các Ðài Loan Chen Shih-kai cho biết, số tàu ngầm nói trên sẽ được đóng trong giai đoạn 2025-2038. Ðây là một phần của Chương trình tàu ngầm phòng thủ bản địa. “Chính phủ cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương; liên tục tăng cường năng lực phòng thủ và thực hiện các chính sách như đóng tàu và máy bay nội địa để xây dựng một Ðài Loan kiên cường và bảo vệ chủ quyền quốc gia” - ông Chen tuyên bố.

Trước đó, Ðài Loan đã tự đóng chiếc tàu ngầm đầu tiên của hòn đảo này. Nguyên mẫu tàu ngầm diesel-điện lớp Hải Côn chính thức được hạ thủy hồi tháng 9 năm ngoái. Sự kiện này được coi là một bước đột phá lớn đối với ngành công nghiệp quốc phòng Ðài Loan trước áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc. Lãnh đạo Ðài Loan khi đó là bà Thái Anh Văn cho biết thành quả này cho thấy khả năng của Ðài Bắc trong việc biến “một nhiệm vụ bất khả thi thành khả thi”.

Do tập đoàn CSBC đóng, nguyên mẫu tàu ngầm lớp Hải Côn có giá khoảng 26 tỉ Ðài tệ (806 triệu USD) và được đặt hàng ngay sau khi bà Thái nhậm chức hồi năm 2016. Theo Ðô đốc Hoàng Thục Quang, người đứng đầu Chương trình tàu ngầm phòng thủ bản địa, Hải Côn sử dụng hệ thống chiến đấu và mang theo ngư lôi hạng nặng MK-48 do Mỹ sản xuất. “Mục đích là để chống lại các nỗ lực của Trung Quốc nhằm bao vây, tấn công hoặc phong tỏa Ðài Loan” - ông Hoàng nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei Asia. Theo lãnh đạo Cơ quan Phòng vệ Ðài Loan Cố Lập Hùng, Hải Côn sắp hoàn thành bài kiểm tra tại cảng, sau đó sẽ được thử nghiệm trên biển.

Song, động thái trên đã làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt. Một số nhà phân tích cho rằng một hạm đội như vậy chắc chắn sẽ giúp Ðài Loan có khả năng đối đầu với Trung Quốc trên biển trong trường hợp nổ ra xung đột. “Việc đóng thêm 7 tàu ngầm cho thấy quyết tâm bảo vệ Ðài Loan của chính quyền ông Lại Thanh Ðức” - Su Tzu-yun, chuyên gia phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh (INDSR, cơ quan nghiên cứu của chính quyền Ðài Bắc), cho biết. Theo ông Su, số tàu ngầm này là một trong những vũ khí bất đối xứng mà Ðài Bắc có thể sử dụng để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào từ Bắc Kinh và có thể tạo thành “bức tường răn đe” để chống lại các cuộc tấn công trên biển cũng như các cuộc tấn công đổ bộ khác từ Trung Quốc khi kết hợp với tên lửa trên bộ và trên tàu.

Ðồng quan điểm, Chieh Chung, tổng thư ký Hiệp hội Dự báo chiến lược Ðài Loan, nói rằng ông ủng hộ việc đóng thêm 7 tàu ngầm nữa nhằm cải thiện năng lực phòng thủ của Ðài Loan. Song, theo ông Chieh, việc chuẩn bị cho ngân sách phải được thực hiện từng bước.

Trong khi đó, một số chuyên gia khác thì cho rằng chính quyền Ðài Loan đã “vô trách nhiệm” khi “bật đèn xanh” cho dự án đóng tàu ngầm trị giá lên tới 284 tỉ Ðài tệ trong bối cảnh nguyên mẫu tàu ngầm lớp Hải Côn vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. “Nguyên mẫu tàu ngầm lớp Hải Côn thậm chí còn chưa trải qua quá trình thử nghiệm trên biển. Vậy thì làm sao một khoản ngân sách khổng lồ cho việc đóng thêm 7 tàu ngầm nữa lại có thể được phê duyệt một cách vội vàng như vậy. Ðộng thái này không chỉ vội vàng, vô trách nhiệm mà còn đáng kinh ngạc, vì chi phí trung bình 40 tỉ Ðài tệ cho mỗi tàu ngầm là cao hơn nhiều so với chi phí đóng nguyên mẫu, vốn khác xa so với các tiêu chuẩn đóng tàu toàn cầu” - nhà bình luận quân sự Lu De-yun đặt nghi vấn.

Lực lượng phòng vệ trên biển Đài Loan đang sở hữu 4 tàu ngầm được đánh giá là lạc hậu, gồm 2 chiếc lớp Hải Sư được Mỹ chế tạo từ thời Thế chiến thứ hai và 2 chiếc lớp Hải Long đóng vào giữa những năm 1980. Để sở hữu hạm đội tàu ngầm hiện đại, Đài Loan nhiều năm qua âm thầm tìm kiếm trợ giúp về công nghệ, nhân lực từ khắp nơi trên thế giới. Tàu ngầm Hải Côn dài 70m, độ giãn nước 2.500 tấn, được cho là dựa trên cơ sở chiến hạm lớp Zwaardvis của Hà Lan.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết