|
Hai ông Mohammed Mursi (trái) và Ahmed Shafiq sẽ cạnh tranh để trở thành Tổng thống đầu tiên của Ai Cập thời hậu Mubarak. Ảnh: EPA |
Hãng tin Anh Reuters dẫn lời một quan chức thuộc Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ngày 25-5 cho biết ứng viên của họ trong cuộc bầu cử tổng thống tự do đầu tiên ở Ai Cập sẽ bước vào vòng cạnh tranh trực tiếp với thủ tướng cuối cùng dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak.
Cuộc bầu cử kéo dài trong hai ngày 23 và 24-5 vừa qua đánh dấu bước đi cuối cùng trong giai đoạn chuyển giao dân chủ với sự chủ trì của một hội đồng quân sự, phe từng cam kết sẽ chuyển giao quyền lực cho tổng thống mới vào ngày 1-7. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 29-5 tới, nhưng đại diện của các ứng viên được phép giám sát việc kiểm phiếu để biết được tỷ lệ ủng hộ dành cho mình.
Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo cho biết theo kết quả kiểm phiếu tại 12.800/13.100 điểm bỏ phiếu trên cả nước với khoảng 50 triệu cử tri đi bỏ phiếu, thủ lĩnh của họ là Mohammed Mursi đã giành được 25% phiếu ủng hộ, cựu Thủ tướng Ai cập dưới thời Mubarak là Ahmed Shafiq đạt 23%, trong khi ứng viên Abdel Moneim Abol Fotouh 20% và ứng viên cánh tả Hamdeen Sabany 19%. Quá trình kiểm phiếu có sự chứng kiến của đại diện các ứng viên, giới truyền thông và các tổ chức phi chính phủ nhằm phòng tránh nguy cơ gian lận.
Cũng giống như bầu cử tổng thống ở Pháp, Ai Cập quy định nếu không có ứng viên nào giành được hơn 50% số phiếu ủng hộ thì hai ứng viên đứng đầu sẽ bước vào cuộc bỏ phiếu vòng hai. “Kết quả rõ ràng cho thấy những người bước vào cuộc đấu loại trực tiếp sẽ là Mursi và Shafiq”-một quan chức của Huynh đệ Hồi giáo khẳng định. Ban lãnh đạo của tổ chức này cũng đã triệu tập cuộc họp để xác định chiến lược tranh cử cho vòng bầu cử cuối cùng, dự kiến diễn ra vào hai ngày 16 và 17-6.
Đánh giá triển vọng của hai ứng viên dẫn đầu, nhiều ý kiến dường như đang thiên về đại diện của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. Được biết, ứng viên Mursi là một kỹ sư tu nghiệp tại Mỹ, từng tuyên bố sẽ ủng hộ chế độ dân chủ, tôn trọng nữ quyền và thiết lập mối quan hệ hòa bình với Israel nếu được bầu làm Tổng thống Ai Cập. Trong khi đó, ứng viên Shafiq cam kết khôi phục luật pháp và trật tự kỷ cương, cũng như quan tâm đến những lo lắng của người dân Ai Cập. Tuy nhiên, cựu sĩ quan không quân có quan hệ mật thiết với quân đội Ai Cập này bị coi là đại diện của các quan chức bị mất chức khi chế độ của nhà độc tài Mubarak bị lật đổ bởi cuộc cách mạng Mùa xuân A-rập hồi năm ngoái. Ông Shafiq, cùng với ứng viên Amr Moussa - cựu Chủ tịch Liên đoàn A-rập, đều bị xem “tàn dư của chế độ cũ”. Những người ủng hộ cuộc cách mạng nói trên thậm chí còn cáo buộc hai người này đang cố tái tạo lại hệ thống chính trị mà người dân Ai Cập đã cố công lật đổ.
THANH TRÚC (Theo Reuters, CNN, Guardian, AFP)