Những người trưởng thành tại Juanga, một ngôi làng nhỏ chưa tới 3.000 dân ở bang Orissa lấy nghề nông làm chính với thu nhập bình quân đầu người tròm trèm 2 USD/ngày. Tuy nhiên, bộ mặt của vùng đất nghèo khó lọt thỏm giữa vùng quê rộng lớn của Ấn Độ đang dần thay đổi nhờ vào một dự án phi lợi nhuận của Mỹ.
Không nhận thấy được giá trị của giáo dục, các bậc cha mẹ tại đây đã buộc những đứa con của mình nghỉ học khi chúng chỉ mới 16 tuổi để lao vào cuộc mưu sinh. Về mặt y tế, những người phụ nữ hiếm khi đến các trung tâm chăm sóc sức khỏe, do vậy gần như thiếu hẳn kiến thức cơ bản về các biện pháp bảo vệ sức khỏe. Người dân cũng không có được đầy đủ các nhu cầu thiết yếu từ điện nước, thực phẩm và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hình ảnh phổ biến nhất tại đây chính các cột sóng điện thoại di động.
Một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ có tên gọi là “mPowering”đang tận dụng số lượng lớn các cột thu sóng điện thoại, chi phí sử dụng wifi (không dây) thấp, khả năng kết nối GSM cao với hy vọng đưa một số khu vực ở đất nước Nam Á này thoát nghèo. Tổ chức có trụ sở ở San Francisco này đã hợp tác với Citta, hội từ thiện đang hoạt động tại Orissa, một trong những bang nghèo nhất Ấn Độ với dân số lên tới 37 triệu người.
 |
Trẻ em làng Juanga bên những chiếc điện thoại do chương trình mPowering của Jeff Martin (ảnh nhỏ) cung cấp. Ảnh: CNN
|
Theo mPowering, có đến 46% người dân Juanga sống dưới mức nghèo và 41% trẻ bị suy dinh dưỡng. Tổ chức này cùng với Citta từ năm 2010 đã trao tặng cho 56 hộ gia đình tại ngôi làng Juanga những chiếc điện thoại thông minh với các ứng dụng tương thích với các chương trình đánh giá của địa phương được xây dựng dựa trên khái niệm “phần thưởng và khích lệ”dạng truy cập để tính điểm nhằm lôi kéo học sinh đến trường và giúp các bà mẹ có cơ hội tham dự các lớp học hướng dẫn phòng ngừa các căn bệnh. Sau đó, các điểm được cộng dồn trong mỗi tháng để các gia đình đổi lấy thức ăn, quần áo và thuốc men.
Jeff Martin, người sáng lập mPowering đã từng là giám đốc điều hành cao cấp tại công ty Apple với 6 năm là người đứng đầu các lãnh vực âm nhạc, giải trí và tiếp thị, trực tiếp báo cáo lên Giám đốc điều hành tài năng Steve Jobs, người qua đời cách đây không lâu. “Tôi chọn Orissa bởi vì đây là vùng đất nghèo nhất trong số những nơi nghèo. Cách tốt nhất để cải thiện đời sống và thay đổi những truyền thống đã tồn tại hàng thế kỷ của những người dân nơi đây là sử dụng điện thoại di động và tặng thưởng cho họ”- Martin chia sẻ.
Kế hoạch kế tiếp của ông là theo dõi các tác phẩm nghệ thuật, cụ thể là những bức tranh do những đứa trẻ vẽ và chính những tác phẩm này sẽ kéo các khoản đóng góp từ những nhà tài trợ vào chương trình mPowering. Ngoài những đứa trẻ, các bà mẹ cũng có thể tích lũy được điểm nếu họ đưa con em đến các trung tâm y tế để được cấp thuốc. Cùng với đó, các máy lọc nước cũng sẽ được chương trình mPowering cung cấp đến tay người dân nếu họ xem các đoạn phim về sự nhiễm bẩn nguồn nước có trên điện thoại di động. Hầu hết các nguồn cung cấp nước ở ngôi làng này đều đã bị ô nhiễm.
mPowering cho biết, dự án của họ đã nhận được kết quả khả quan. Số ca bệnh được báo cáo tại ngôi làng Juanga trong năm qua đã giảm từ 119 xuống còn 52 ca hiện nay. Cũng trong năm nay, số lượt người đến thăm khám tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe được ghi nhận là 125 lượt so với con số 98 của năm trước đó. Đối với tỷ lệ trẻ đến trường, thống kê của mPowering cho thấy có đến 71% số trẻ được đến trường, tăng 19% so với năm ngoái.
“Chúng tôi đã theo dõi sự tiến bộ này từ ngay những buổi đầu của dự án và nhận thấy số trẻ đến trường tăng 25% nhờ vào sáng kiến chương trình mPowering. Nhiệm vụ của mPowering là một hoạt động mở rộng hoàn thiện để gia tăng những hỗ trợ hiệu quả hơn cho những khu vực lâm vào cảnh nghèo khó”- Michael Daube, nhà sáng lập đồng thời giám đốc điều hành Citta nhận xét.
THANH LIÊM (Theo CNN)