01/05/2009 - 08:27

Cướp biển Somalie - cuộc chiến đến bao giờ?

Kỳ 1: Có một “thủ đô” hải tặc ở Somalie
Kỳ 2: Con đường trở thành hải tặc
Kỳ 3: Mắt xích ở Luân Đôn

Kỳ cuối: Khởi tố hải tặc Somalie như thế nào và ở đâu?

Trong khi cộng đồng thế giới đau đầu về vấn đề làm thế nào khởi tố hải tặc bị sa lưới và quá trình xét xử diễn ra ở đâu thì Hà Lan, Anh và Mỹ đi tiên phong mở lối: truy tố cướp biển ngay ở nước mình. Trong khi đó, nhiều nước lên tiếng kêu gọi xét xử hải tặc tại thành phố cảng Mombasa của Kenya, nước láng giềng của Somalie.

Ngày 21-4 vừa qua, tòa án ở New York (Mỹ) đã đưa ra xét xử Abdiwali Abdiqadir Muse, tên cướp biển đầu hàng trong chiến dịch giải cứu thuyền trưởng tàu chở hàng Mearsk Alabama hôm 12-4. Có thể trong tháng 5 này, Hà Lan sẽ đưa ra xét xử 5 nghi can hải tặc Somalie. Băng nhóm này bị Hải quân Đan Mạch bắt giữ hồi tháng Giêng vừa qua sau khi tấn công bất thành tàu chở hàng quốc tịch Hà Lan ở ngoài khơi bờ biển Somalie. Trong khi đó, hàng chục tên cướp biển hiện đang “tạm trú” trong xà lim của Pháp để chờ ngày hầu tòa.

 Sáu nghi can hải tặc Somalie được áp giải ra tòa ở Mombasa hôm 9-4. Phiên tòa sẽ tiếp tục vào cuối tháng 6 tới. Ảnh: AP

Tuy nhiên, nhiều nước không ủng hộ cách làm của Mỹ, Hà Lan và Pháp vì như vậy không khác nào “rước họa vào thân”, đặc biệt là sau khi hải tặc mãn hạn tù. Hiện tại, không ít quốc gia lên tiếng kêu gọi khởi tố cướp biển Somalie ở thành phố cảng Mombasa của Kenya. Bộ Ngoại giao Kenya xác nhận nước này đang nghiên cứu đề nghị thành lập tòa án đặc biệt xét xử hải tặc Somalie. Theo Ngoại trưởng Mwungi Thuita, không thể áp dụng các thủ tục tố tụng thông thường để xét xử hải tặc do phiên tòa có thể có nhân chứng đến từ các nước khác. Mục đích thành lập tòa án đặc biệt là nhằm đẩy nhanh trình tự khởi tố, bảo đảm tính hiệu quả và minh bạch của quá trình xét xử cướp biển. Trước đây, Hải quân Mỹ từng giam một nghi phạm hải tặc trên tàu suốt 7 tháng liền, nguyên nhân chính cũng do không biết khởi tố đối tượng ở đâu.

Hiện nay, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã ký với nhau hiệp định cho phép dẫn độ nghi can hải tặc tới Kenya xét xử. Theo David Crane, giáo sư luật của Đại học Syracuse (New York - Mỹ), Kenya có đủ khả năng xét xử hải tặc do nước này nằm trong khối Thịnh vượng chung của Anh nên rất am tường hệ thống luật pháp của khối này. Trong khi đó, Pháp tuyên bố sẽ giao nộp 11 tên cướp biển bị hải quân nước này bắt giữ hôm 15-4 ở ngoài khơi bờ biển Somalie cho nhà chức trách Kenya xét xử.

Sở dĩ, nhiều nước muốn Kenya - nước láng giềng của Somalie - đứng ra xét xử hải tặc vì lo sợ một khi ra tù, chúng sẽ định cư luôn và họ không thể trục xuất chúng về nước. Theo Potterngal Mukundan, chuyên gia pháp lý của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMB) ở Luân Đôn (Anh), vì không muốn rắc rối về sau nên một số nước EU thậm chí sau khi bắt giữ hải tặc đã giao nộp lại cho Somalie. Vì thế, một tòa án quốc tế về hải tặc được xem là giải pháp tối ưu nhưng sẽ là gánh nặng cho Kenya - quốc gia đang cố gượng dậy sau làn sóng bạo loạn năm 2007 làm hơn 1.000 người thiệt mạng. Chủ tịch Hiệp hội Luật sư quốc tế, Mark Ellis cho rằng cộng đồng quốc tế nên hỗ trợ Kenya về mặt tài chính và hậu cần để giúp nước này đảm đương tốt vai trò quan tòa định tội cướp biển.

VIỆT QUỐC (Theo AP, BBC)

Mặc dù chưa phê chuẩn Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, cho phép các nước phê chuẩn đưa hải tặc ra xét xử nhưng Mỹ có quyền khởi tố tên Abdiwali Abdiqadir Muse tại nước mình vì theo luật quốc tế, tàu chở hàng Maerrsk Alabama, bị hải tặc Somalie cướp, treo cờ Mỹ và công dân Mỹ bị hải tặc tấn công.

Cách đây 3 năm, Mỹ từng “nhờ” Kenya xét xử 10 tên cướp biển do tàu chiến Mỹ bắt được. Mỗi tên sau đó bị kết án 7 năm tù.

Kỳ 1: Có một “thủ đô” hải tặc ở Somalie Kỳ 2: Con đường trở thành hải tặc Kỳ 3: Mắt xích ở Luân 

Chia sẻ bài viết