 |
BlackBerry Torch, loại điện thoại thông minh mới vừa được RIM giới thiệu, đã được giới công nghệ và người sử dụng chờ đợi từ lâu. Ảnh: AP |
Ngày 4-8, công ty sở hữu nhãn hiệu điện thoại di động BlackBerry, Research in Motion (RIM) của Canada, cho biết họ sẽ không chia sẻ dữ liệu về khách hàng của mình. Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Arabie Séoudite thông báo nước này sẽ hoãn một vài dịch vụ của BlackBerry bắt đầu vào ngày 6-8 tới, vì những dịch vụ này không tuân thủ quy định về viễn thông ở nước sở tại.
Động thái của Arabie Séoudite diễn ra sau tuyên bố của Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) hôm 1-8, rằng nước này sẽ chặn một số ứng dụng thông tin như tin nhắn, thư điện tử và lướt web trên BlackBerry từ ngày 11-10 tới, cũng vì RIM không chịu cung cấp dữ liệu khách hàng cho mục đích an ninh. Với lực lượng an ninh nhỏ, UAE phụ thuộc nhiều vào công nghệ nghe lén điện tử để giám sát các âm mưu chống phá. Cho nên, Chính phủ UAE không hài lòng với việc từ chối cung cấp dữ liệu khách hàng của RIM, nhất là sau vụ một thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas bị ám sát ở thành phố Dubai của UAE hồi đầu năm nay, mà các sát thủ đã kịp rời UAE trước khi chính quyền nhận dạng được chúng. Với 500.000 người sử dụng BlackBerry ở UAE và 400.000 khách hàng ở Arabie Séoudite bị ngăn sử dụng, thì RIM có thể mất gần 1 triệu khách hàng tại vùng Vịnh. Hơn nữa, lệnh cấm cũng sẽ ảnh hưởng tới bất kỳ ai xài BlackBerry tới hai nước này.
RIM cũng đang tiến hành thương thảo với Ấn Độ và Trung Quốc, vốn đang gây sức ép yêu cầu công ty Canada phải để chính quyền truy cập dữ liệu của khách hàng.
Cái khó của RIM là điện thoại BlackBerry được xem là giải pháp doanh nghiệp, những người cần bảo mật thông tin trong kinh doanh. Thế nên, trong tuyên bố hôm 4-8, RIM cho biết khách hàng chọn BlackBerry không cần lo thông tin bị chia sẻ. Nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) này cho rằng các quy định bảo mật cho người sử dụng BlackBerry là để ngăn bên thứ ba, và ngay cả RIM, đọc thông tin được mã hóa. RIM cho rằng BlackBerry đã được tiêu chuẩn hóa khắp thế giới, vì vậy bất kỳ yêu cầu cung cấp thông tin hoặc tiếp cận thông tin của một quốc gia vì lý do nào đó có thể không phù hợp với tất cả các nước.
Khi hãng tìm kiếm khổng lồ trên Internet Google chịu sức ép từ Trung Quốc hồi tháng Giêng nhằm kiểm duyệt web, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã bảo vệ Google. Lần này Mỹ cũng bảo vệ RIM, khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley tuyên bố Washington thất vọng về tuyên bố của UAE. Tuy nhiên, Đại sứ UAE tại Mỹ Yousef al-Otaiba phản pháo rằng UAE đang yêu cầu RIM tuân thủ quy định tương tự như Mỹ và các nước khác về việc giám sát an ninh. Hồi cuối tháng 7, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã đề xuất luật mới cho phép chính phủ xem lại thời gian lướt web và lấy địa chỉ email của công dân. Liên minh châu Âu (EU) cũng có nhiều quy định hạn chế, thậm chí nghiêm ngặt hơn Mỹ về việc thu thập, sử dụng và bán thông tin của các công ty kinh doanh trực tuyến, nhưng cũng đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet lưu trữ thông tin cá nhân, để cung cấp trong trường hợp chính phủ muốn điều tra.
Thông tin riêng tư trực tuyến đã trở thành vấn đề gây tranh cãi về quyền tự do dân sự. Các trang Facebook và Google đang tích lũy khối lượng dữ liệu khổng lồ chuyện riêng tư của người sử dụng. Làn sóng chống xâm phạm dữ liệu cá nhân đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Cuộc tranh cãi này rất khó phân định đúng sai. Nhưng ai cũng thấy nó đang gây bất lợi, nếu không muốn nói là thiệt hại cho RIM trên những thị trường điện thoại di động béo bở như UAE, Arabie Séoudite và Ấn Độ.
NGUYỄN HOÀNG (Theo WSJ, Csmonitor, BBC)