12/01/2008 - 11:18

Cuộc nội chiến không có hồi kết ở Sri Lanka

Phản ứng đầu tiên sau một tuần chính phủ Sri Lanka tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngừng bắn (CFA), ngày 10-1, B. Nadesan, thủ lĩnh chính trị của lực lượng nổi dậy Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE), cho biết họ muốn tiếp tục kéo dài CFA và sẵn sàng thực hiện tất cả các điều khoản của thỏa thuận này. Tuy nhiên, LTTE cũng cảnh báo sẽ chống trả tới cùng nếu Colombo khởi động một cuộc chiến tranh toàn diện. S. Puleedevan, người phụ trách đàm phán hòa bình của LTTE, cho rằng một khi leo thang cuộc chiến, các lực lượng vũ trang Sri Lanka sẽ phải đối mặt với hoàn cảnh tương tự những năm 1997-1998, giai đoạn đẫm máu nhất trong 25 năm nội chiến.

 An ninh được thắt chặt ở Colombo sau vụ sát hại Bộ trưởng Xây dựng Dassanayake. Ảnh: AFP 
Chính phủ Sri Lanka quyết định rút khỏi CFA vì cho rằng LTTE lợi dụng thời gian đình chiến để tái vũ trang, tuyển mộ và huấn luyện khủng bố. 2 ngày sau tuyên bố của chính phủ, Bộ trưởng Xây dựng Dassanayake bị sát hại trong một vụ phục kích ở phía Bắc Thủ đô Colombo. Sau vụ việc này, Tổng thống Mahinda Rajapaksa yêu cầu các đảng chính trị đoàn kết lại chống khủng bố, đồng thời tăng cường an ninh cho các thành viên Quốc hội. Mặt khác, quân đội Sri Lanka đẩy mạnh tấn công vào khu vực miền Bắc, căn cứ địa còn lại của LTTE. Ít nhất 178 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ kể từ khi chính phủ rút khỏi CFA hôm 2-1.

Xung đột bạo lực bắt nguồn từ việc LTTE đấu tranh vũ trang đòi độc lập cho bộ tộc Tamil ở khu vực phía Đông và Bắc Sri Lanka từ năm 1983. Người Tamil cho rằng chính phủ phân biệt chủng tộc, ưu ái cho người Sinhala chiếm đa số ở quốc gia Nam Á này. Từ đó đến nay, LTTE đã gây ra hơn 240 vụ đánh bom tự sát và nhiều cuộc tấn công khủng bố khác nhằm vào quân đội, chính khách và cả dân thường. Tính đến nay đã có hơn 70.000 người thiệt mạng. Với sự bảo trợ của Na Uy, chính phủ Sri Lanka đạt được CFA với LTTE vào năm 2002. Tuy nhiên, hiệp ước này bắt đầu lung lay vào năm 2005 khi xung đột tái bùng phát giữa quân đội chính phủ và LTTE sau vụ Ngoại trưởng Lakshman Kadirgamar bị bắn chết ngay giữa thủ đô.

Sau những diễn biến gần đây, Na Uy tuyên bố sẽ rút khỏi vai trò trung gian cho CFA. Trong khi đó, Mỹ và Ấn Độ, những nước có thể giữ vai trò quan trọng trong tiến trình đàm phán hòa bình ở Sri Lanka, không có ý định thương lượng với LTTE (Đại diện Mỹ từng từ chối ngồi cùng đại diện LTTE ở Hội nghị Oslo năm 2002).

Những tín hiệu trên cho thấy cuộc nội chiến ở Sri Lanka chưa có hồi kết, ít nhất là trong một tương lai gần.

N.MINH (Theo Times, AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết